Dù Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao và trong kỳ họp tháng 9, đã hạ mức tăng trưởng mục tiêu xuống 6,3 - 6,5%, nhưng nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế 6% hoặc thấp hơn trong năm 2016. Các chuyên gia cũng lưu ý tới việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thay vì quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng.
Nông nghiệp, khai khoáng “kéo tụt” tăng trưởng
Tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế quý III, Ts.Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, cho biết bước sang quý III, kinh tế đã có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm. Dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, GDP quý III vẫn đạt mức tăng 6,4%, giúp tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 5,93%.
Nông nghiệp suy giảm kết hợp với khó khăn trong ngành công nghiệp khai khoáng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng thấp. Khu vực nông nghiệp, vốn chiếm 11 - 13% GDP, ước tính chỉ tăng 0,05% trong 9 tháng đầu năm và chỉ đóng góp được 0,01% vào tăng trưởng GDP. Trong khi đó, lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm ngư nghiệp chỉ tăng 0,65%, thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
9 tháng đầu năm, tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,22%, cao hơn so với 2 năm trước (2014: 8,57%; 2015: 10,15%). Tuy nhiên, với mức đóng góp lên tới 28,4% trong cơ cấu GDP khu vực công nghiệp, suy giảm ngành khai khoáng đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng khu vực này cũng như tăng trưởng kinh tế. Cộng dồn tới hết tháng 9, ngành khai khoáng ước giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm 0,28% tăng trưởng.
Chỉ số hoạt động kinh tế - VEPI được VEPR thử nghiệm tính toán quý II tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP, càng củng cố cho tín hiệu cải thiện tăng trưởng trong quý III. VEPI quý III đạt 6,09%, cao hơn khoảng 1% so với quý II.
![]() |
Cả năm có đột phá hay không còn phụ thuộc vào tăng trưởng quý IV
Khu vực sản xuất có sự phục hồi, khảo sát điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy 38,8% DN đánh giá tình hình SX-KD quý III tốt hơn so với quý trước và 48,9% cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong quý IV.
Dù giảm so với quý II, tình hình đăng ký DN đã cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2015. Tính riêng trong quý III, có 26.950 DN đăng ký mới, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2015. Cộng dồn 9 tháng, cả nước có 81.450 DN thành lập mới, với 629.100 tỷ đồng vốn đăng ký. So với cùng kỳ năm 2015, lượng DN tăng 19,2% trong khi vốn đăng ký tăng 49,5%.
Tạo “cú huých” cho doanh nghiệp
Theo Ts. Thành, quý III đánh dấu những bước đi đầu tiên của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường phát triển cho các DN theo Nghị quyết 35/NQ-CP. Theo đó, Chính phủ đã thành lập cổng thông tin điện tử nhằm tiếp nhận và trả lời kiến nghị của DN bắt đầu từ 5/10/2016. Tuy nhiên, với những mục tiêu trong nghị định được đánh giá là khá cao, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần thực sự quyết tâm mới có thể đạt được.
Tăng trưởng thương mại đã phục hồi và dần đi vào ổn định. Tốc độ tăng XK quý III đạt 8,3%, cao nhất kể từ quý IV/2015. Quý III, cán cân thương mại đạt thặng dư 1,04 tỷ USD.
Thu ngân sách Trung ương khó khăn, ước tính tới 15/9/2016, tổng thu NSNN đạt 665.200 tỷ đồng, bằng 65,6% so với dự toán đầu năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (năm 2014: 81,3%; năm 2015: 75,0%).
Tiêu dùng, đầu tư chững lại, không có nhiều cải thiện tích cực so với nửa đầu năm. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ dịch vụ và hàng hóa 9 tháng đầu năm giữ nguyên mức 9,5% và chỉ tăng nhẹ về lượng (7,7%) so với tốc độ hai quý đầu năm.
“Mặc dù còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn quyết định giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, kinh tế quý IV cần phải tăng trưởng ít nhất 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhấn mạnh vấn đề đặt mục tiêu chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng, và phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 6,3 - 6,5%. Chúng tôi cho rằng ngay cả điều này vẫn không khả thi, vì kinh nghiệm tăng trưởng trong những năm qua cho thấy dù tăng trưởng quý IV có tăng cao hơn quý III, cũng không thể vượt 1%. Tăng trưởng được dự báo đạt 6,0% cho cả năm 2016”, Ts. Thành cho biết
Ts.Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế nhận định tình hình tài chính thương mại thế giới không thuận cho Việt Nam. Hiện nay, chúng ta vẫn trông cậy quá nhiều vào XK, diễn biến đặc biệt của thế giới 5 - 6 năm nay, giá nguyên vật liệu giảm mạnh. Ảnh hưởng của XNK tới Việt Nam, thương mại toàn cầu trì trệ là phông chung cho tình trạng XK, Việt Nam dù có cố gắng nhưng vẫn ảnh hưởng. Ông Ánh cho rằng thành tích kinh tế Việt Nam quý III là ngoạn mục tuy nhiên, tình hình cả năm có đột phá hay khởi sắc hay không còn phụ thuộc vào tăng trưởng quý IV.
Theo các chuyên gia VEPR, tình hình lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi. Để đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn. VEPR cho rằng các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý IV và đầu năm 2017, trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát.
Ngọc Khanh