Ông Nguyễn Gia Hưng, Giám đốc công ty TNHH vận tải G.H (hoạt động ở Bình Dương và Tp.HCM), cho biết công ty trước đây sở hữu 20 chiếc xe tải để hợp đồng chở sữa tươi nguyên liệu và hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng gần đây đã phải bán một nửa số xe vì làm ăn bết bát.
Quy định gây khó
Ngoài vấn đề chi phí phát sinh nhiều, một trong những nguyên nhân là đang có tình trạng một số DN FDI mua sắm xe tải, ban đầu cam kết chở hàng nội bộ nhưng sau đó chở hàng ra bên ngoài dù không xin giấy phép kinh doanh vận tải, không đáp ứng các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) như phù hiệu, ban quản lý, thiết lập hồ sơ…
Có thể thấy, khi vấp phải tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như trường hợp một số DN FDI kể trên, các DN vận tải lại nghĩ đến ĐKKD cho ngành này để không ảnh hưởng đến "nồi cơm" của mình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ĐKKD ngành vận tải nên như thế nào cho thông thoáng, phù hợp với bối cảnh mới và cạnh tranh lành mạnh?
Mới đây, khi góp ý khẩn với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và ĐKKD vận tải bằng xe ô tô (bản mới ngày 9/4/2019), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra một số điểm có thể gây khó với DN vận tải.
Chẳng hạn như quy định cấp phù hiệu cho các xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải, đặc biệt là phù hiệu với các xe container, xe đầu kéo, xe tải quy định tại các Điều 6, 7, 8 và 9 của dự thảo.
Mặc dù Ban soạn thảo bản dự thảo có giải trình thuyết phục về việc vẫn cần thiết phải tạm thời duy trì phù hiệu để phân biệt các loại xe theo hình thức kinh doanh (chính phía DN vận tải như công ty của ông Hưng khi vấp phải cạnh tranh không lành mạnh cũng muốn duy trì phù hiệu – PV), nhưng VCCI cho rằng nên bỏ quy định này.
Theo VCCI, về mặt pháp lý, đơn vị kinh doanh vận tải có quyền sử dụng bất kỳ xe nào miễn là đáp ứng yêu cầu của pháp luật đối với phương tiện sử dụng để kinh doanh. Do đó việc cấp phù hiệu cho từng xe (đồng nghĩa với việc Nhà nước quản lý từng xe mà DN đưa vào kinh doanh) là không có căn cứ. Mục tiêu của phù hiệu là để kiểm soát loại hình kinh doanh vận tải của đơn vị kinh doanh, không phải của xe.
Hoặc như nhiều điều khoản trong dự thảo có quy định về việc gửi các thông tin hợp đồng vận tải/giấy vận tải (xe hợp đồng, xe du lịch, vận tải hàng hóa) cho cơ quan quản lý nhà nước.
VCCI cho rằng nên bỏ quy định này vì nội dung hợp đồng giữa đơn vị vận tải và bên thuê vận tải là quan hệ tư, thuộc về bí mật kinh doanh của bên vận tải (ký hợp đồng với ai, giá trị hợp đồng, nội dung hợp đồng) và bí mật cá nhân (đi đâu, ai đi, đi làm gì, vận chuyển gì, từ đâu tới đâu) của bên thuê vận tải.
DN vận tải chưa yên tâm về quy định kinh doanh vận tải |
Tiếp tục can thiệp sâu
Các thông tin này thuộc quyền kinh doanh và quyền nhân thân tuyệt đối của các chủ thể (theo Điều 21 và 33 của Hiến pháp), chỉ phải xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp đặc biệt theo các căn cứ chặt chẽ.
"Vì vậy, trừ trong trường hợp có lý do chính đáng (khẩn cấp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật), cơ quan quản lý nhà nước không có quyền tiếp cận các thông tin này – hơn nữa ở đây lại là tiếp cận toàn bộ thông tin của tất cả các hoạt động (chứ không chỉ là các hợp đồng liên quan tới vụ việc cụ thể có lý do chính đáng để tiếp cận)", VCCI lưu ý.
Ngay cả khi việc lưu giữ các thông tin này không phải là vi hiến, thì về hiệu quả quản lý, theo VCCI, việc cơ quan nhà nước tiếp nhận các thông tin này cũng không giúp ích cho việc quản lý nhà nước.
Ngoài ra, một quy định khác trong bản dự thảo mới này liên quan đến đơn vị vận tải là HTX và xe thuộc sở hữu của thành viên HTX, cũng cho thấy còn những điểm gây tranh cãi.
Cụ thể, ở Điều 13 và Điều 14 của dự thảo có nêu: "Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên HTX phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với HTX, trong đó quy định HTX có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành, tổ chức hạch toán hoạt động kinh doanh của các xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên HTX".
Theo VCCI, quy định nội dung bắt buộc của hợp đồng dịch vụ là can thiệp quá sâu vào quyền tự do hợp đồng giữa HTX và các thành viên HTX.
"Việc ai được làm gì theo hợp đồng phụ thuộc vào thỏa thuận tự do giữa hai bên, pháp luật không thể can thiệp trừ khi thỏa thuận đó gây phương hại tới các lợi ích công cộng (trên thực tế có thể có hiện tượng các chủ xe chỉ "gá" vào HTX để lấy danh – tuy nhiên ngay cả việc này cũng không phải là vi phạm pháp luật DN hay HTX)", bản góp ý khẩn của VCCI gửi Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nhấn mạnh.
Hơn nữa, quy định buộc thành viên HTX phải chuyển quyền quản lý, sử dụng, điều hành, hạch toán kinh doanh của xe do mình sở hữu cho HTX mâu thuẫn với nguyên tắc tại Luật HTX, theo đó "Thành viên, HTX thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của HTX, liên hiệp HTX" (Điều 7 Luật HTX).
Thế Vinh