Chia sẻ câu chuyện kinh doanh đặc sản thời Covid-19, anh Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (chuyên sản xuất mật hoa dừa), đã nói một cách dân dã là “kiên trì “quánh” tới”. Điều này nhằm duy trì sự tích cực tìm ra các giải pháp cho vấn đề của DN mình giữa khó khăn.
Kiên trì “quánh” tới
Nói về thích ứng và chuyển đổi, anh Ngãi nhấn mạnh việc chủ động tạo hệ sinh thái người tiêu dùng đầu cuối trên trực tuyến (online) thông qua các nhóm facebook. Qua đó hiểu được tâm tư của khách hàng để cho ra sản phẩm mới.
Phát triển các kênh phân phối mới được xem như yếu tố quyết định cho việc hơn thua nhau giữa các DN kinh doanh đặc sản dưới thời Covid. |
Đơn cử như gần đây công ty này phát triển sản phẩm mới là giấm mật hoa dừa nhằm đáp ứng nhu cầu trong mùa dịch của người tiêu dùng là muốn thải độc cơ thể và phục vụ cho việc nấu ăn.
Ngoài ra, theo anh Ngãi, phía công ty còn đào tạo đại lý online vào hàng tuần nhằm tạo làn gió mới về chuyển đổi và tạo hệ sinh thái đại lý. Bên cạnh đó, khi thị trường trong nước có vấn đề giữa dịch bệnh thì công ty chủ động tìm đến thị trường nước ngoài (như gần đây nhất là kết nối với thị trường Ấn Độ).
Trong khi đó, khi nói về hoạt động phân phối, chị Ngô Ngọc Anh, chủ cơ sở nhang sen Liên Tâm Đồng Tháp, cho biết trước nay phía cơ sở vẫn quen với hoạt động bán lẻ theo kiểu truyền thống (với khoảng 1.000 khách hàng) hơn là bán sỉ. Tuy vậy, nhờ có sự chuẩn bị cho việc tham gia vào sàn thương mại điện tử (TMĐT) từ cách đây 2 năm, nên vào những tháng giãn cách xã hội vừa qua thì doanh số từ sàn TMĐT đã tăng lên.
“Chúng tôi còn có Fanpage (một trang Facebook của DN) và website riêng nhằm chăm sóc một lượng lớn khách hàng cũ. Nhờ tận dụng điều này nên hiện tại doanh số từ Fanpage mang lại vẫn cao hơn từ sàn TMĐT”, chị Ngọc Anh chia sẻ.
Trong hoạt động kinh doanh các mặt hàng đặc sản hiện nay, việc thích nghi và kịp thời ứng biến trước khó khăn của đại dịch là điều rất quan trọng đối với các DN, nhất là phát triển các kênh phân phối mới như yếu tố quyết định cho việc hơn thua nhau giữa các DN. Và chính hành động nhanh gọn, dứt khoát trong việc đa dạng các kênh phân phối đã giúp không ít DN vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung cầu giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành (diễn ra từ ngày 2 đến 5/12) thu hút 500 gian hàng đặc sản, vấn đề phát triển các kênh phân phối mới thu hút sự quan tâm của nhiều DN thông qua các hội thảo chuyên đề như: “Giới thiệu phương thức kinh doanh trên sàn TMĐT”, “Hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa thông qua sàn thương mại”, “Tiếp xúc, giải đáp, kết nối giữa các DN phân phối, doanh nghiệp TMĐT và đơn vị cung ứng tiềm năng”.
Qua đó, các DN cũng xác định hoạt động sản xuất kinh doanh đặc sản cần chuyển dịch từ “sản xuất cái mình có” sang “sản xuất cái người tiêu dùng cần”.
Cuộc chơi công bằng
Như việc phát triển kênh phân phối đặc sản trên sàn TMĐT, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đây là xu thế tất yếu cho các DN. Và điều mong muốn lớn nhất của các DN là làm sao bán được nhiều sản phẩm của mình.
Và như vậy, khi tham gia sàn TMĐT, ông Nguyên nhấn mạnh quan trọng nhất là các DN phải xây dựng hiệu quả website riêng của mình với đầy đủ thông tin mà khách hàng cần. Bản thân các DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan có liên quan để tiếp cận được các sàn TMĐT có uy tín và có tính chất toàn cầu.
Còn theo ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Alibaba.com Vietnam, các DN nhỏ và vừa phải ý thức được những lợi thế cạnh tranh của họ đang ở đâu và phải tận dụng những lợi thế như thế nào.
Nhìn vào phân khúc ngành hàng tiềm năng của Việt Nam trên Alibaba.com, các DN kinh doanh đặc sản có thể thấy được cơ hội của mình trong đó như thế nào. Như số liệu nội bộ mới đây từ sàn TMĐT toàn cầu này, có 10 ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam đang có được sự chú ý rất lớn của các người mua trên thế giới, trong đó có thể kể đến ngành thực phẩm và đồ uống, nông sản, quà tặng, hoá mỹ phẩm…
Những ngành hàng đang thu hút như trên đều cho thấy cơ hội lớn đối với các DN kinh doanh các mặt hàng đặc sản. Lợi thế cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam chính là “cuộc chơi” trên sàn TMĐT khá công bằng.
"Không nhất thiết cứ phải là thương hiệu lớn khi kinh doanh trên sàn TMĐT mới thành công mà ngược lại, các DN vừa và nhỏ có thể trực tiếp trao đổi, tiếp cận với khách hàng là những nhà mua hàng lớn, xem đây là cơ hội để DN xây dựng thương hiệu riêng của chính mình”, ông Tùng nói.
Như lưu ý của vị giám đốc phát triển kinh doanh này, trong chuỗi phân phối truyền thống của DN có những rào cản về mặt chi phí, địa lý để có thể đem sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, qua môi trường TMĐT thì những rào cản đó đang biến mất. Việc còn lại của các DN Việt là phải hiểu được những công cụ, tính năng và hiểu được luật chơi của TMĐT.
“Đây chính là thời cơ để các DN có thể xây dựng được thương hiệu riêng của mình trên thị trường quốc tế và có thể xây dựng được mạng lưới hệ thống phân phối. Nhất là người tiêu dùng trên thế giới đang rất quan tâm tìm hiểu những nhà cung cấp sản phẩm mới đến từ Việt Nam”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Thế Vinh