Mới đây, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip về cảnh lãnh đạo một công ty tại Bình Dương thông báo doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động từ tháng 6 tới, điều đó đồng nghĩa gần 200 công nhân của công ty này phải đi tìm việc mới.
Hàng nghìn công nhân mất việc làm
Ở thời điểm hiện nay, nhiều DN thu hẹp hoạt động đang tác động tiêu cực tới thị trường lao động. Trong buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa qua, lãnh đạo Công ty TNHH PouYuen Việt Nam – hoạt động trong lĩnh vực da giày, DN sử dụng nhiều lao động nhất thành phố (trên 50.000 người) cho biết, do đơn hàng sụt giảm nên đơn vị này có kế hoạch chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 10% nhân công trong thời gian tới. Đây sẽ là đợt sa thải lớn nhất kể từ khi PouYuen bắt đầu hoạt động tại TP.HCM vào năm 1996.
Hàng chục nghìn lao động có nguy cơ thất nghiệp vì doanh nghiệp cắt giảm lao động. |
Đợt 1, PouYuen sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 4.519 người lao động vào cuối tháng 6. Đợt 2, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 1.225 người lao động vào đầu tháng 7. Tổng cộng 2 đợt là 5.744 lao động.
Trước đó, hồi đầu năm – tháng 2/2023, tình hình đơn hàng khó khăn cũng khiến PouYuen đã cắt giảm hơn 2.300 lao động. Tháng 11/2022, công ty này cũng cho gần 20.000 công nhân nghỉ việc luân phiên trong 2 ngày cuối tuần để đảm bảo ai cũng có việc làm.
Không chỉ PouYuen mà nhiều DN khác cũng đang trong cảnh tương tự do thiếu đơn hàng. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2023, có 181 DN, HTX bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động. Nguyên nhân là do xuất khẩu bị ảnh hưởng, đơn hàng sụt giảm mạnh.
Theo thông lệ, từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, các DN bước vào mùa đại hội cổ đông, nhưng đây có lẽ là một mùa đại hội có nhiều thách thức với các DN, đi kèm các chỉ số tăng trưởng kinh doanh “cài số lùi”.
Trước thực tế kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng trầm trọng, một số DN dệt may đặt mục tiêu kinh doanh 2023 kém sắc hơn so với năm trước. Cụ thể, Tổng công ty May Việt Tiến đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 8.030 tỷ đồng (bằng 95% so với thực hiện năm 2022); lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng (bằng 96% so với năm 2022)…
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, dệt may là ngành xuất khẩu, sử dụng lao động lớn. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối quý III/2022, nhiều DN đã đứng trước những khó khăn rất lớn, đơn hàng, đơn giá đều giảm 20-30%; thậm chí có những đơn giá giảm tới 40-50%, điều trước đây chưa từng xảy ra.
Từ những tác động biến động kinh tế thế giới, ngành dệt may có thể suy giảm tăng trưởng từ con số 6% năm 2021 xuống dưới 2% trong năm nay. Xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 đạt 11,7 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
“Tình hình này sẽ kéo dài sang quý III và ít nhất đến quý IV mới có thể phục hồi. Nhiều DN phải gồng mình sao cho có đơn hàng giá thấp để không sa thải nhân công, nhưng sụt giảm mạnh”, ông Cẩm cho biết.
Không chỉ xuất khẩu chịu tác động, sức mua trong nước suy giảm cũng đang ảnh hưởng tới các DN tập trung vào thị trường nội địa. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai, DN này đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần 5.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng, chỉ tăng lần lượt 0,4% và 0,2% so với kết quả năm 2022.
Kinh doanh ngày càng khó khăn
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai cho biết, giá bán heo ra thị trường bình quân khoảng 57.000 đồng/kg, giá vốn bình quân khoảng 42.000 đồng/kg. Tuy nhiên, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai nhận định, ngành chăn nuôi heo năm nay sẽ không có lãi, mà thực chất quý I/2023 không có lãi vì giá heo giảm quá sâu.
“Nếu không có chuối trong quý I/2023 thì gần như công ty lỗ. Việc đánh giá và nhận định thị trường heo cực kỳ khó”, ông Đức cho biết.
Trong bối cảnh khó khăn này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất, ngành ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn giữa các ngành kinh tế bởi hiện nay dư nợ dành cho ngành dệt may còn rất hạn chế, trong khi đó nhu cầu vốn để chuyển đổi ngành rất lớn, khoảng 500.000 – 600.000 tỷ đồng.
Với các DN nhỏ và vừa, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết, tạo nên một hệ thống dữ liệu về DN nhỏ và vừa, cũng như minh bạch các tiêu chí cần thiết về tiếp cận tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích đối với các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả hỗ trợ tín dụng cho DN nhỏ và vừa.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường và xúc tiến thương mại cho các DN. Do hạn chế về tài chính và nhân lực nên các DN nhỏ và vừa rất khó có thể tự mình nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, do vậy Nhà nước cần có những biện pháp, chính sách cung cấp thông tin thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, DN đang trong bối cảnh khó khăn. Do vậy, phản ứng chính sách cần kịp thời, linh hoạt, chủ động. Bộ KH&ĐT tham mưu, kiến nghị giải pháp tới Chính phủ, trong đó có xác định nhiệm vụ từng bộ ngành, cơ quan.
Trong đó, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đề xuất chính sách giảm thuế, phí, lệ phí; tạo thuận lợi tối đa cho DN trong các thủ tục xuất, nhập khẩu; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình; Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường, tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng thị trường, mặt hàng phát huy các FTA đã ký kết; Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể để hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho DN…
TS. Nguyễn Đình Cung Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Thông thường sau Tết Nguyên đán, nền kinh tế và DN sẽ hồi phục trở lại. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, kinh tế khó khăn, sự hồi phục chậm trễ và số DN phá sản, thu hẹp hoạt động chiếm tỷ lệ cao, dẫn tới người lao động mất việc làm. Trước thực tế trên, chính sách cần tiếp tục miễn giảm thuế cho DN, có tác dụng ngay và đúng quan điểm Chính phủ đồng hành cùng DN. Trong bối cảnh này, càng tăng thu bao nhiêu thì có gì đó nghịch lý bấy nhiêu vì đó là tiền của của DN, của người dân. Ông Lê Tiến Trường Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Đại hội cổ đông của nhiều DN dệt may diễn ra trong khi đã có kết quả quý I/2023, quý thứ 2 liên tiếp có kết quả không thuận lợi với các diễn biến thị trường nhiều bất ổn, bất định, khó dự báo. Kịch bản thị trường dù ở phương án tốt nhất cũng thấp hơn 2022 khoảng 5%, trong khi nguồn cung trên thế giới tăng mạnh trở lại sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa nền kinh tế tháng 3 vừa qua đã gia tăng áp lực lên giá hàng hóa dệt may. Trong khó khăn này, các DN phải duy trì, củng cố và phát triển vị trí trong chuỗi cung ứng hiện có; liên tục dự báo, phân tích, cập nhật thị trường và đối thủ để có giải pháp sản xuất kinh doanh linh hoạt nhất… Bà Trương Thị Mỹ Dung Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan một số nội dung để hỗ trợ DN, như xem xét giảm giá điện, nước, phí sử dụng hạ tầng, giảm thuế thu nhập DN, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động để giảm áp lực phần nào. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn thu nhập không ổn định và được vay ưu đãi qua ngân hàng chính sách xã hội… Đối với thúc đẩy xuất khẩu cần đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan, giúp DN tiếp cận nhanh nhất với nguyên vật liệu, tư liệu sản xuất cũng như xuất khẩu hàng hóa được thuận lợi. |
Nhật Linh