Là người đứng đầu Bộ KH&ĐT – cơ quan tham mưu cho Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), xây dựng kịch bản tăng trưởng hàng năm, Bộ trưởng cho biết cảm xúc của mình sau khi đồng hành cùng Chính phủ vượt qua sức ép, áp lực để đạt được mục tiêu đề ra trong năm qua?
Trước kết quả tăng trưởng của quý I, quý II, chúng tôi cảm thấy rất căng thẳng, lo lắng. Tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành nhiệm vụ, tác động tới kế hoạch 5 năm và kế hoạch 10 năm tới.
Sức ép, áp lực, lo lắng diễn ra từ khía cạnh khác nhau như khả năng, thực lực của nền kinh tế; khả năng điều hành… để đạt được kết quả đề ra.
Sau khi có kết quả tăng trưởng của quý III, chúng tôi cảm thấy rất hồi hộp. Tuy nhiên, để kinh tế phát triển đúng hướng và đạt mục tiêu, chúng tôi phải theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thế giới, trong nước đề ra và thực hiện giải pháp của các bộ ngành, địa phương.
Lần đầu tiên, Chính phủ yêu cầu xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, bám sát thực tế, có chỉ đạo điều hành cụ thể, rõ ràng cho từng ngành.
Sau khi kết quả tăng trưởng được công bố. Tất cả chúng tôi cảm thấy hào hứng. 13 chỉ tiêu KT-XH đều đạt và vượt, diễn ra ở tất cả khu vực, lĩnh vực khác nhau. Các chủ trương chính sách của Nhà nước dần dần đi vào cuộc sống, chuyển biến kinh tế rõ nét, phấn khởi cho toàn bộ người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Qua thực tiễn điều hành chính sách, Việt Nam đạt được thành tựu nào ấn tượng nhất, thưa Bộ trưởng?
Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nỗ lực của cả hệ thống đã làm nên một năm đặc biệt, một năm mà đất nước chuyển biến mạnh mẽ. Từ đó tạo nên nền tảng, niềm tin để vững bước tiến vào năm 2018 và các giai đoạn tiếp theo.
Có ba thành tựu nổi bật. Thứ nhất, lần đầu tiên sau nhiều năm, 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao đều đạt và vượt, tạo thuận lợi cho năm 2018, thực hiện kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm tiếp theo.
Thứ hai, tầm vóc, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực được nâng lên tầm cao mới, khẳng định Việt Nam có thể bước vào giai đoạn phát triển mới, tham gia vào sân chơi mới của quốc tế.
Thứ ba, niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là tương lai tươi sáng của đất nước trong giai đoạn tới đây được nâng lên, từ thành tựu đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu đất nước, tự tin để chúng ta tiến về phía trước, hướng về tương lai mạnh mẽ hơn, đưa đất nước phát triển nhanh và phồn vinh hơn.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Theo nhận định của Bộ trưởng, năm 2018 và những năm tiếp theo, Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức gì cho phát triển?
Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên phải kể tới là tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại.
Tiếp đó là khó khăn nội tại nền kinh tế còn mất thời gian và công sức rất nhiều mới giải quyết được.
Cuối cùng, áp lực mới luôn đặt ra, đó là nguy cơ của tụt hậu, khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, chậm lại việc phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Chưa kể, chúng ta phải đối mặt với biến đổi khí hậu, đói nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây là những thách thức rất lớn mà Việt Nam đã và đang phải đối mặt. Nhất là trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược còn chậm, chưa đạt kết quả nhiều.
Tuy nhiên, tôi nhìn thấy thuận lợi lớn nhất – cơ hội trong năm 2018, đó là đà phát triển kinh tế tích cực trong năm 2017 đang còn tiếp diễn và kéo dài sang năm 2018, kết quả của chính sách cải cách nói riêng và các chính sách của Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều năm qua giờ đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mặc dù là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội lớn để Việt Nam tăng tốc rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước.
Bộ trưởng có nhắc tới ý nghĩa của chính sách cải cách đã giúp chúng ta đạt được nhiều kết quả. Thời gian tới, cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như thế nào để thu hút nhiều nguồn lực bên trong và bên ngoài để phát triển KT-XH?
Nguồn lực từ dân cư, xã hội, đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết. Chúng ta cũng đã và đang chuyển hướng quản lý nhà nước sang hướng Nhà nước tạo dựng thể chế kiến tạo, tạo dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn… Qua đó, tạo niềm tin cho cộng đồng DN phát triển sản xuất kinh doanh. Chúng ta coi nguồn lực nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt, định hướng; còn nguồn vốn trong dân cư, xã hội là chủ yếu. Đồng thời, vốn đầu tư nước ngoài là nguồn bổ sung quan trọng.
Trong những năm qua, có những ý kiến băn khoăn, quan ngại về việc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, chiếm xấp xỉ 70% trong xuất nhập khẩu, ảnh hưởng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế tự chủ. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần nhìn nhận khách quan và toàn diện.
Thời gian tới, phát huy hiệu quả nguồn lực trong nước cũng cần phát huy hiệu quả nguồn lực nước ngoài. Vì vậy không nên quá định kiến về khu vực FDI như một số ý kiến trong thời gian qua.
Muốn thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, không thể kìm hãm doanh nghiệp FDI phát triển, mà cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ tiệm cận dần đến doanh nghiệp nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với nhau, tận dụng, bổ sung cho nhau để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đó mới là nguồn lực để đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Ngay ngày đầu năm mới 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/ NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Nghị quyết này được xem là “kim chỉ nam” trong công tác điều hành của Chính phủ trong năm nay. Bộ trưởng cho biết những nội dung cơ bản về đường lối phát triển KT-XH trong Nghị quyết này là gì?
Nghị quyết 01 thực chất đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phát triển KT-XH được trình bày cô đọng, có trọng tâm, trọng điểm với 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, 59 nhiệm vụ giải pháp cụ thể, 242 nhiệm vụ chi tiết giao cho các bộ ngành, địa phương thực hiện.
Nhiều nội dung quan trọng kỳ vọng tạo đột phá trong năm 2018. Nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 01 là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược làm trọng tâm.
Qua đó, giải quyết, chuyển biến rõ nét tổng thể các lĩnh vực khác như xã hội, môi trường, cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng…
Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ phương châm hành động của Chính phủ năm nay bao gồm 10 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
Tính khái quát rất cao, thể hiện tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ trong suốt một năm, phải lấy kỷ cương, liêm chính là nền tảng, phải hành động nhanh và quyết liệt, phải đổi mới sáng tạo nhiều hơn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Từ đó, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hiệu quả và cạnh tranh của nền kinh tế.
Thy Lê thực hiện