Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị "Giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu" diễn ra ngày 13/5.
Quy định mù mờ làm khó DN
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, cho biết qua ba đợt giám sát tại 10 tỉnh, thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xác định một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ trong công tác kiểm tra chuyên ngành, cơ chế một cửa quốc gia.
Trong đó, cơ chế một cửa quốc gia đang nhằm vào mục tiêu giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính phục vụ cho khâu thông quan mà chưa chú trọng nhiều đến việc chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá tình trạng loạt hàng hóa phải chịu nhiều quy trình quản lý chuyên ngành đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tốc độ cải cách chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN, vẫn còn khoảng cách khá xa so với ASEAN và thế giới. Xếp hạng của Ngân hàng Thế giới cho thấy thủ tục, thời gian chi phí của kiểm tra chuyên ngành Việt Nam vẫn gấp 2-3 lần so với các nền kinh tế hàng đầu ASEAN.
Kết quả khảo sát 3.100 DN do VCCI thực hiện cho thấy, DN đánh giá các thủ tục kiểm tra chuyên ngành là dễ, rất dễ chỉ ở mức khá thấp, chỉ xung quanh mức 15-27% ở tất cả các thủ tục.
Đại diện công ty Sumitomo tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), cho biết Công văn 858 của Tổng cục Hải quan có hiệu lực từ tháng 3/2019 về báo cáo quyết toán cho vật tư tiêu hao và công cụ dụng cụ nhưng lại gây khó khăn, vướng mắc khi mỗi DN có cách hiểu khác nhau vì không có định nghĩa rõ ràng. Vì thế, nhiều khi quan điểm giữa DN với cơ quan hải quan cũng không khớp.
Đặc biệt, đại diện một DN Nhật Bản chia sẻ nhiều khó khăn liên quan tới thủ tục hành chính. Cụ thể, liên quan tới khoản 4, điều 44 của Nghị định 69 về nội dung quy định việc tiêu huỷ các phế liệu, phế thải, phế phẩm chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của sở TN&MT, phải được sự giám sát của cơ quan hải quan. Trong trường hợp không được phép tiêu hủy ở Việt Nam thì phải được tái xuất.
Đại diện DN này cho biết, khi tìm các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định trên thì lại không có. "Yêu cầu có văn bản cho phép của sở TN&MT nhưng cho phép với bên nào. Với DN có chất thải nguy hại, khi DN hoạt động đã đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại, ký kết với DN thu gom đủ điều kiện cấp phép của Sở TN&MT. Thế nhưng, cuối năm khi phát sinh chất thải nguy hại, cơ quan hải quan lại yêu cầu DN phải xin phép sở TN&MT, mặc dù bên thu gom có giấy phép rồi".
DN này cho rằng khi bên thu gom đã có giấy phép, việc yêu cầu DN phải có giấy phép khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, với DN phát sinh nhiều chất thải, hàng tháng, hàng tuần đều phải xin phép, nên mong muốn có văn bản hướng dẫn rõ hơn quy định trên.
![]() |
DN chưa hết phàn nàn vì kiểm tra chuyên ngành |
Không phải thích kiểm tra gì cũng được
Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, thời gian tới, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục phải cải cách, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định với mục tiêu đơn giản, cắt giảm, công bố công khai rõ ràng quy chuẩn, danh mục mã HS. Các bộ cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.
Đối với những việc liên quan tới Bộ Tài chính, bà Mai khẳng định Tổng cục Hải quan là trung tâm kết nối các bộ, ngành nên phải làm nhiều việc.
"Về công nghệ, đúng như phản ánh của DN, có những hạn chế nhất định. Chúng tôi sẽ xây dựng đề án tổng thể cải cách công nghệ thông tin để khắc phục lỗi trong vận hành của cổng thông tin một cửa quốc gia theo hướng tập trung, trực tiếp, khắc phục tình trạng chậm xử lý; đồng thời xây dựng đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu", bà Mai nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu đưa môi trường kinh doanh Việt Nam vào top ASEAN 4 vào năm 2020. Hiện nay, Việt Nam là một trong ba quốc gia trong khu vực triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Khi Việt Nam trở thành Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020, Chính phủ sẽ đẩy mạnh việc triển khai cơ chế này thành nhiệm vụ trung tâm trong kết nối, phát triển giao thương trong khu vực.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, thời gian qua, việc cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa thực chất, còn yếu kém trong thái độ thực thi chính sách, mức độ hài lòng của DN chưa cao, số lượng DN tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN chưa nhiều, chống gian lận thương mại chưa tương xứng tạo thuận lợi thương mại…
Trong đó, về thủ tục hành chính, dù đôn đốc gắt gao nhưng rõ ràng chưa đạt mục tiêu.
Số lượng các lô hàng kiểm tra còn nhiều. Trước đây, kiểm tra chuyên ngành là 35% tổng số lô hàng, mục tiêu của Chính phủ giảm xuống còn 15%, giờ mới đạt 19,1%. Có tình trạng một mặt hàng nhưng chịu kiểm tra chồng chéo.
"Tôi đã nhiều lần nhắc tới câu chuyện con kén tằm mà nhiều bộ ngành cùng kiểm tra, nào là kiểm dịch thực vật, động vật, lực lượng y tế kiểm tra an toàn thực phẩm… Rồi còn tình trạng bộ ngành ban hành ra danh mục yêu cầu kiểm tra nhưng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, dẫn đến kiểm tra thế nào cũng được", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Cùng với đó, còn tồn tại tình trạng có bộ chưa bỏ được chức năng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" (vừa ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, vừa kiểm tra); cổng thông tin một cửa quốc gia bị nghẽn, quá tải vào giờ cao điểm ảnh hưởng tới hoạt động của DN; cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu DN; chi phí không chính thức còn rất cao… Vì vậy, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh Nghị quyết số 02/NQ-CP nêu rõ tạo thuận lợi phải đi với chống gian lận thương mại, yêu cầu các bộ, ngành rà soát tính phù hợp, chặt chẽ trong cắt giảm thủ tục hải quan chuyên ngành.
Thủ tục, mặt hàng nhập khẩu nào không hợp lý thì cắt giảm, nhưng thủ tục, mặt hàng nhập khẩu không đáng cắt mà lại cắt, bãi bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà không hợp ký, phải rà soát lại. Nếu cắt giảm máy móc thì dễ bị lợi ích nhóm lợi dụng. Đây là vấn đề có tính hai mặt, phải suy xét thấu đáo.
Lê Thúy
Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc Để góp phần đẩy nhanh hơn tiến trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, cần ban hành quy định bắt buộc mọi thủ tục kiểm tra chuyên ngành đều phải được thực hiện trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, không nên chờ đợi sự tự nguyện của các cơ quan nhà nước như vừa qua. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên cổng thông tin một cửa quốc gia phải được vận hành tối ưu hơn nữa, tiến tới chấm dứt tình trạng phải nộp hồ sơ giấy đối với các thủ tục trực tuyến. Phó Thủ tướng Chính phủ - Vương Đình Huệ Năm 2019, các bộ, ngành phải chấm dứt ngay tình trạng chưa ban hành mã HS, quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu nhưng vẫn phải kiểm tra chuyên ngành, dễ nảy sinh các tiêu cực, khắc phục các yếu kém trong tổ chức thực thi công vụ. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và bộ ngành cần đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư thiết bị trong kiểm tra chuyên ngành để giảm chi phí cho cả cơ quan nhà nước, DN, không thể để tình trạng bộ vừa ban hành tiêu chuẩn, vừa kiểm tra. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Trần Thanh Mẫn MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đang nỗ lực triển khai giám sát việc thực hiện Nghị quyết, giám sát những chuyên đề, lĩnh vực theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước. Với 12 chương trình giám sát, trong đó có hoạt động giám sát về phát triển kinh tế tư nhân, đây là giám sát của nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận thấy một trong những nút thắt cần được Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ban ngành tập trung tháo gỡ, loại bỏ là những vướng mắc về thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu. |