Ngược dòng thời gian, nhớ lại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: "Tôi có nêu mong muốn và chúc Chính phủ, chính quyền các cấp cố gắng, nỗ lực phấn đấu để năm 2022 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021. Hội nghị đã vỗ tay tỏ ý đồng tình, ủng hộ rất mạnh mẽ, với quyết tâm và khí thế rất cao". Giờ đây, khi tổng kết đánh giá, nhìn lại năm 2022, Tổng Bí thư nhìn nhận: "Năm 2022 chúng ta đã cơ bản đạt được điều mong ước và lời chúc đó".
Dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn
Báo cáo về về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã nêu bật những kết quả mà nền kinh tế đạt được trong năm 2022. Năm 2022, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. |
Mặt bằng lãi suất được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, tỉ giá được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường trong và ngoài nước; tăng trưởng tín dụng đạt 12,87%. Đặc biệt, Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu (tăng 7 bậc so với năm 2021)…
Mặc dù vậy, Chính phủ đánh giá bước sang năm 2023 những khó khăn, thách thức sẽ rất lớn. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, cho hay dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Hậu quả đại dịch COVID-19 trên toàn cầu cần phải khắc phục nhiều năm; cạnh tranh chiến lược và xung đột Nga-Ukraine còn diễn biến phức tạp.
Lạm phát tiếp tục ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.
Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.
Những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm. Quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn…
Một trong những thách thức nhìn thấy rõ nhất trong năm 2023 là thị trường thu hẹp khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật – Việt – Thương hiệu Vento (Hải Phòng), chia sẻ doanh nghiệp nhận định 2023 sẽ là một năm rất khó khăn. “Chúng tôi chưa nhìn thấy những cửa sáng, tín hiệu tích cực từ nền kinh tế toàn cầu, dẫn tới các doanh nghiệp rất khó khăn. Adidas hiện đang phải đối mặt với số giày tồn kho hơn 500 triệu Euro, dẫn tới các doanh nghiệp da giày Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới”.
Tuy nhiên, ông Thăng cho biết, doanh nghiệp da giày vẫn có niềm tin rằng sẽ chắt chiu, căn cơ từng cơ hội để vượt qua khó khăn, kỳ vọng cuối năm 2023, bức tranh kinh tế thế giới sẽ sáng hơn.
Điều hành theo phương châm 16 chữ
Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiếp tục nắm chắc tình hình, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chủ động, kịp thời thích ứng, hành động quyết liệt, tích cực, hiệu quả hơn trong năm 2023.
Theo đó, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành như tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành "giật cục".
Đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình để "biến nguy thành cơ", khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ…
Đặt ra yêu cầu cho năm mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và mong muốn: "Năm 2023 nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022". Để đạt được mục tiêu, cần chủ động đối với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được. Đồng thời, cần quán triệt thật sâu sắc hơn nữa, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững.
Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém cả trước mắt lẫn lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ lời căn dặn của Tổng Bí thư đó là: Tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, say sưa với kết quả, thành tích đã đạt được mà phải kế thừa, phát huy tối đa thành quả của công cuộc đổi mới, các nhiệm kỳ trước đây, kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay để tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực để tiếp tục "biến nguy thành cơ", vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.
Lê Thúy