Nói như chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, đó là câu chuyện “em đang sống ổn”, việc gì phải thay đổi cuộc sống khi mà lợi ích còn mờ mờ nhưng rủi ro đã hiển hiện.
Báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT, cho thấy, quy mô DN Việt chủ yếu là nhỏ và vừa. Cụ thể, theo quy mô lao động, tới 97,7% số DN có quy mô nhỏ và vừa. Xét về quy mô vốn, tỷ lệ DN quy mô vốn nhỏ và vừa chiếm đến 94,8%.
“Khôn cất trại, dại cất nhà”
Đáng lưu ý, ở khu vực DN tư nhân trong nước, có tới 98,6% là quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%.
Quy mô của DN tư nhân nhỏ, không có sự cải thiện qua nhiều năm là một trong những trở ngại khiến các DN tư nhân không tận dụng được hiệu quả kinh tế.
Song điều đặc biệt là nhiều DN siêu nhỏ, nhỏ và hộ kinh doanh không muốn lớn vì giữa môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, những DN này đã chọn chiến lược theo suy nghĩ “khôn cất trại, dại cất nhà”.
Nhận định mục tiêu đạt được 1 triệu DN là không khó nhưng điều khiến ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), lo lắng là DN tư nhân Việt Nam đang kinh doanh trong chật vật và DN thà chấp nhận cứ nhỏ để tránh các phiền phức, giảm thiểu những lần phải va vấp, phải vượt rào cản vì càng làm lớn, càng phải đi xa, mà đi càng xa sẽ phải vượt nhiều rào hơn.
“Gánh nặng với DN siêu nhỏ hiện tại khá lớn, nếu không tháo gỡ, sẽ không có động lực để các hộ kinh doanh chuyển lên DN. Trong khi Việt Nam cần có DN vừa, rồi DN lớn, cho nên cứ li ti mãi sẽ không thể đầu tư bài bản được để cạnh tranh”, ông Tuấn đánh giá.
Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy DN phát triển. Tuy nhiên, Ts. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nhận định thực tế DN vẫn chưa thể thỏa mãn kết quả đó vì môi trường kinh doanh của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với ASEAN. DN gặp khó từ chi phí không chính thức, vốn… cho tới thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là khó khăn về thủ tục hành chính thuế, hải quan.
Phát triển DN là chuyện chúng ta đã nói từ 30 – 40 năm nay nhưng chưa cải thiện. “Phát triển DN rất đơn giản nhưng nó là trăn trở, là cả quá trình vận động tư duy chính sách hàng chục năm, giờ vẫn còn nhiều câu hỏi, “ổ gà, mấp mô” cho sự phát triển này”, ông Thành nhận định.
Theo ông Thành, có ba vấn đề cần phải giải đáp: Tại sao DN Việt không lớn được; không tham gia được chuỗi giá trị mạng lưới sản xuất mà lại kêu rằng bị các tập đoàn lớn chi phối; DN có thể làm ăn nhưng lại hạn chế đổi mới sáng tạo.
Trên thực tế, số DN tồn tại trong hai năm nhiều nhưng “bánh” GDP không to ra cho dù Chính phủ đã cố gắng cải thiện, nâng cấp ba cái bánh răng (Nghị định 19, Nghị định 35, Luật DN) song cả ba cái bánh răng này vẫn xoay tại chỗ.
![]() |
Hộ kinh doanh không muốn lớn lên thành DN vì thấy lợi ích còn mờ mờ mà rủi ro đã hiển hiện
Khẩu hiệu tốt, hành động ít
Chỉ ra nguyên nhân, ông Tuấn đánh giá, dường như Việt Nam say sưa nói về Nghị quyết nhiều quá, trong khi DN, công chức thực hiện pháp luật cụ thể lại rất ít. Những văn bản pháp luật của các bộ ban hành vẫn đi ngược lại với Nghị quyết nên khi ban hành Nghị quyết đã không nhìn lại xem Nghị quyết trước thực hiện được bao nhiêu.
Ông Tuấn nhấn mạnh, thực hiện quy định pháp luật ngày càng lớn ở Việt Nam song nhiều năm liền, chi phí phi chính thức vẫn không giảm, nguyên do một phần lỗi trong đó là ở DN vì còn nhiều DN sử dụng “phong bì” để lấy hợp đồng.
Trong khi đó, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT, nhận định DN không lớn được vì vẫn còn tư duy sắp xếp vị trí của DN, không phải sắp xếp về quy mô mà sắp xếp loại hình DN là nhà nước, tư nhân hay nước ngoài.
“Tôi cho rằng không chỉ lo có thêm DN, mà cần kết nối DN với nhau vì “củ khoai trong rọ mãi là củ khoai”. Đài Loan không cần tập đoàn lớn, họ chỉ cần kết nối lực lượng DN tốt cũng đã mạnh như các tập đoàn Hàn Quốc”, ông Hồ kiến nghị.
Khẳng định nếu không xây dựng hệ thống DN của Việt Nam, nền kinh tế sẽ “xập xệ” không phát triển nổi, ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng Việt Nam vẫn lúng túng chưa biết thế nào để xây dựng được hệ thống DN.
“DN mà Nhà nước “đổ công đổ của dựng lên” là DN nhà nước, tuy nhiên càng đổ tiền càng mất mát, càng thua lỗ. DN FDI phát triển khởi sắc nhưng họ đến, họ đi bất cứ lúc nào. Trong khi đó, DN tư nhân Việt Nam cứ bé mãi”, ông Nam nhận xét.
Bên cạnh đó, đang xuất hiện nguy cơ là DN đầu tư vào bất động sản, dịch vụ nhiều nhưng chế biến, chế tạo rất ít. Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN, cho biết, năm 2016, số lượng DN tư nhân tăng mạnh, song thẳng thắn nhìn nhận, số DN đăng ký ở khu vực chế biến không nhiều, trong khi đây là ngành cốt lõi cho sự phát triển, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Về vấn đề này, điều tra hơn 10.000 DN của VCCI cho thấy, chỉ 9% DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, 1% cho khai khoáng, 6% về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong khi 24% hoạt động trong xây dựng và 60% là dịch vụ.
Rõ ràng, DN tư nhân Việt không những bé mà còn chỉ tập trung vào dịch vụ, xây dựng, trong khi công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Cùng với đó, chỉ 11% DN tăng vốn và như vậy, DN càng bé, kết quả kinh doanh càng kém.
Lê Thúy
Ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế Tôi cho rằng có bốn nguyên nhân đang ngăn chặn sự lớn mạnh, phát triển của DN tư nhân theo đúng nghĩa. Cụ thể: Quyền tài sản, quyền sở hữu đất đai; Cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, tín dụng vốn; Chi phí giao dịch của Việt Nam hiện nay quá cao, từ logictic, tuân thủ pháp lý tới ngăn ngừa, đối phó với khủng hoảng rủi ro. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là nội tại DN và văn hóa người Việt, người Việt rất giỏi nhưng thiếu người tài. Ông Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT Về phía Nhà nước phải thay đổi vai trò quyết liệt hơn, buông cái gì cần buông, tạo ra cái gì cần tạo. Phải thay đổi, chúng ta nói nhiều khát vọng quá rồi. Nhưng làm thế nào để hành động tốt hơn? Trong khi bộ máy không sửa được, chi thường xuyên cao. Phải trả lời được động lực của bộ máy Nhà nước là gì và ở đâu. Hết xin cho hết động lực, bớt xin cho bớt động lực. Ông Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế Chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân dựa trên nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không cần ưu đãi, tôn trọng, chủ động. Hiện nay, khu vực tư nhân đang chứa đựng mâu thuẫn nội tại, vừa đòi bình đẳng với khu vực nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng, trong khi yêu cầu được tôn trọng, tư tưởng chờ đợi sự ban phát, xin cho và dựa dẫm vào Nhà nước tuy không phải là đặc trưng nhưng lại khá phổ biến. |