Liên quan đến lo ngại thiếu nguồn cung thịt lợn trước và sau dịp Tết Nguyên đán do dịch tả lợn châu Phi, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, khẳng định ngay khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên 63 tỉnh, thành, Bộ Công Thương đã làm việc với các địa phương, các tỉnh biên giới để đưa ra giải pháp, chuẩn bị nguồn cung và đảm bảo cung ứng trong năm 2019.
Tăng gia cầm “giải cứu” thiếu thịt lợn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thịt lợn là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, nên Bộ Công Thương luôn theo dõi sát diễn biến cung - cầu để có biện pháp tham mưu kịp thời.
Ông Hải lấy ví dụ về bối cảnh đang xảy ra tại Trung Quốc: giá thịt lợn trong tháng 9 và tháng 10/2019 tăng mạnh, làm tăng 1% chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này.
Tương tự như ở Trung Quốc, tại Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi cũng khiến nguồn cung giảm và đẩy giá thịt tăng cao. Vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nếu không cẩn trọng thì có thể ảnh hưởng đến CPI.
“Vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tính toán cụ thể số lượng nhập khẩu thịt lợn từ đối tác có quan hệ song phương hai chiều với Việt Nam”, ông Hải thông tin.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Tuấn cho hay dịch tả lợn châu Phi sau khi xâm nhập vào Việt Nam đã xảy ra 63 tỉnh, thành phố. Ngay từ đầu, Bộ Công Thương đã phối hợp với lực lượng các địa phương và UBND các tỉnh, cùng với Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp khống chế, sau đó chuẩn bị nguồn cung đảm bảo cho nhu cầu của người dân trong năm 2019.
Sau khi Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng từ nay đến cuối năm dự kiến thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn, nên để đảm bảo nguồn cung, mặt hàng thịt lợn được đưa vào chương trình bình ổn cung cầu thị trường. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi các Sở Công Thương, trên cơ sở theo dõi tình hình địa phương, phân tích tình hình nhu cầu nội tại, cân đối tham mưu UBND tỉnh, đảm bảo nguồn cung, kể cả vấn đề nhập khẩu.
“Việt Nam có thể nhập khẩu thịt lợn tại 24 nước có cam kết thú y, nhưng phải hướng đến mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) chế biến. Hiện, một số tỉnh có liên hệ với Bộ hướng dẫn cho các địa phương hướng tới nhập khẩu thịt lợn”, ông Tuấn nói.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cũng cho biết Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo nhập nguồn từ đối tác song phương đảm bảo cân đối lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Bên cạnh việc sẵn sàng nhập khẩu thịt lợn để cân bằng nguồn cung - cầu trong nước, ông Tuấn đưa ra giải pháp bù đắp cho lượng thịt lợn đang bị thiếu dịp Tết Nguyên đán bằng cách tăng nguồn cung từ thịt gia cầm, trâu bò.
“Qua trao đổi với Bộ NN&PTNN được biết nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết sẽ được đảm bảo. Thịt lợn thiếu hụt nhưng ngược lại mặt hàng gia cầm, trâu bò có thể đáp ứng được, bù đắp được cho mặt hàng thịt lợn”, ông Tuấn khẳng định.
Nguồn cung thịt lợn vẫn được đảm bảo trước và sau Tết Nguyên đán |
Không lo thiếu nguồn cung sau Tết
Theo Bộ NN&PTNN, do tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp thời gian qua, đàn lợn đã giảm 5,5 triệu con, gây mất cân đối cung - cầu. Hiện, ngành chăn nuôi đang tái cơ cấu, theo hướng chuyển dịch phát triển đàn gia cầm để tăng nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Từ đầu năm 2019 đến nay, chăn nuôi gia cầm tăng trưởng 10%, dự kiến những tháng cuối năm tăng trưởng được 13%. Tổng sản lượng thịt gia cầm chiếm 17 - 19% so với tổng sản lượng thịt các loại, tăng trưởng bình quân 3 năm qua đạt 6,83%.
Là đơn vị có nguồn cung thịt lợn lớn trên thị trường, ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết: “Kế hoạch sản xuất thịt lợn của năm 2019 khoảng 6 triệu con (chiếm 9 - 10% thị phần trong nước), mỗi ngày xuất ra khoảng 16.000 - 17.000 con lợn, nhằm ổn định giá thị trường trong cả nước. Từ nay đến Tết Nguyên đán, công ty mong muốn giữ ổn định thị trường thịt lợn với giá 69,5 nghìn đồng/kg; đồng thời triển khai 1.700 điểm bán thực phẩm bình ổn giá trên toàn quốc, đảm bảo nguồn thịt lợn chất lượng đến tận tay người tiêu dùng”.
Năm 2020, kế hoạch của công ty sẽ tăng lượng gia cầm lên khoảng 10% và thực hiện các biện pháp kỹ thuật nuôi an toàn sinh học. Tuy nhiên, các bộ, ngành cũng cần kiểm soát xuất khẩu lợn sang Trung Quốc; đồng thời nên khuyến cáo người chăn nuôi kéo dài thời gian nuôi, vì đây là cách tăng sản lượng thịt nhanh nhất.
Về giải pháp để phát triển đàn lợn và nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sẽ tiếp tục tập trung phòng chống dịch bệnh, tiến hành tái đàn ở các DN lớn, trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng phổ biến kiến thức, nâng cao kinh nghiệm cho các địa phương, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm, đảm bảo an toàn sinh học, cân đối cung - cầu, đảm bảo an sinh; ngăn chặn không cho nhập lậu heo qua biên giới.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các địa phương phía Bắc, phía Nam để ngăn chặn việc đưa thịt lợn xuất lậu sang Trung Quốc, hoặc nhập khẩu thịt lợn lậu từ Thái Lan và Campuchia. Đồng thời, tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu, chương trình bình ổn tại Tp.HCM, Hà Nội, trong đó mặt hàng thịt lợn được ưu tiên đầu tiên.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc cập nhật thị trường giá cả thịt lợn hơi ở các tỉnh có nhu cầu tiêu thụ lớn như Hà Nội, Tp.HCM… để đưa ra giải pháp tốt nhất, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn trong thời gian sắp tới.
Thanh Hoa
Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Chúng ta không thiếu lợn đến mức khủng hoảng, nhiều địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên còn đàn lợn khá lớn. Vấn đề lưu thông, thông tin đã tạo tâm lý, hiệu ứng xã hội không tốt. Ngoài thịt lợn, chúng ta còn bổ sung thủy sản khá dồi dào, nên sẽ không có biến động lớn nếu tổ chức tốt. Dịp cuối năm, chắc chắn giá lợn sẽ tăng cao, đây cũng là xu thế tất yếu vì nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết cao, nhưng tăng quá cao thì không. Chúng ta cũng không lo khủng hoảng nếu sản xuất tốt. Đặc biệt, nếu không có sự chỉ đạo tốt thì thương lái sẽ tạo giá ảo, đẩy giá lên. Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y Hiện có 10 tỉnh, thành có trên 80% số xã qua 30 ngày không phát sinh dịch mới và đều là những tỉnh, thành quan trọng trong chăn nuôi lợn. Có được kết quả này là do thời gian qua, từ Chính phủ tới các bộ ngành đã có nhiều giải pháp nhằm kiểm soát gắt gao dịch bệnh. Từ tháng 6 tới nay, dịch bệnh đã giảm mạnh. Hiện, nhiều cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn đã tái đàn. Như vậy, sang năm 2020, nguồn cung thịt lợn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM Dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến giá cả thịt lợn tăng cao, người chăn nuôi và người tiêu dùng vẫn ở vị trí bị động. Người chăn nuôi có hàng nhưng không quyết định được giá. Người tiêu dùng cũng không biết giá cụ thể là bao nhiêu để lựa chọn. Thông tin thị trường không công khai, minh bạch, cơ quan nhà nước chưa quản lý được hết thương lái, người chăn nuôi... Nếu có sàn giao dịch thịt lợn, cơ sở chăn nuôi và chợ đầu mối sẽ giao dịch trực tiếp. Người chăn nuôi và chợ đầu mối có quyền quyết định chính, thương lái chỉ cung cấp dịch vụ logistics (bắt và vận chuyển lợn). Họ có thể giao dịch trước cả tuần hoặc cả tháng, có luật chơi và quy chế riêng. Như vậy, giá cả thịt lợn sẽ không còn tăng vọt như hiện nay. |