Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02, yêu cầu các cơ quan như bệnh viện, trường học, doanh nghiệp cung cấp điện, nước, viễn thông… kết nối với ngân hàng, dịch vụ trung gian thanh toán để người dân dễ dàng thanh toán không dùng tiền mặt.
100% tiền điện, viện phí… thanh toán qua thẻ
Theo yêu cầu của Chính phủ, trong năm 2019 có 50% số người ở khu vực đô thị nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Riêng Ngân hàng Nhà nước trước quý III/2019 báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền tối đa nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hàng tháng.
Bộ Tài chính phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử trước quý III/2019.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các tổ chức, đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng nhận các khoản trợ cấp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo ít nhất trên địa bàn đô thị đạt 10% đến hết năm 2019 và 30% đến hết năm 2020.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu "100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Hoàn thành trước tháng 12/2019".
Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều tiện lợi khi không dùng tiền mặt trong các hoạt động thanh toán. Tuy nhiên, dù phương thức này đã tăng mạnh trong vài năm gần đây, nhưng tỷ lệ người dân dùng tiền mặt vẫn còn cao, nguyên nhân là do còn tồn tại nhiều phiền toái vì sự thiếu đồng bộ, từ công nghệ, bảo mật, máy móc đến cả con người.
Hầu hết các chuyên gia đều đánh giá Nghị quyết 02 sẽ tạo cú hích, là bước ngoặt lớn, khởi động cho một năm đột phá của các dịch vụ thanh toán.
Cho phép sử dụng ví điện tử và nạp tiền vào ví không thông qua tài khoản ngân hàng |
Cần giải pháp mạnh
Thực tế, lâu nay để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị thanh toán trung gian đã "mạnh tay" khuyến mại, nhưng không phải mọi nơi, mọi người đều dễ dàng và thuận tiện cho việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Để khuyến khích không dùng tiền mặt, theo kiến nghị của các ngân hàng, chuyên gia và đại diện của cơ quan quản lý, ngoài sự tham gia của các ngân hàng và doanh nghiệp, rất cần giải pháp mạnh về chính sách của Chính phủ.
Theo một chuyên gia thanh toán, Chính phủ đã chuyển từ chỗ khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đến bắt buộc thông qua việc ban hành Nghị quyết 02, cụ thể hóa các biện pháp, chính sách như bắt buộc các đơn vị hành chính sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước phải thực hiện trả lương cho cán bộ nhân viên qua tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng tiến tới có thể áp dụng các khoản thu, chi liên quan tới chi phí của đơn vị cũng cần được thực hiện qua các kênh điện tử.
"Đi kèm với biện pháp bắt buộc, Chính phủ cũng nên có những chính sách hỗ trợ như ở Hàn Quốc đã đưa ra chính sách hỗ trợ về thuế, đó là giảm thuế VAT cho người thanh toán điện tử, hoặc giảm trừ thuế cho phần doanh thu của doanh nghiệp được thanh toán qua kênh điện tử", chuyên gia này kiến nghị.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng khi mở rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cần tính đến phương thức sao cho tiện ích và có lợi cho cả đôi bên. Trong đó, người dân thuận lợi trong việc thanh toán, còn người cung cấp dịch vụ chỉ cần kết nối với một đầu mối là hệ thống sẽ tự động kết nối và chấp nhận bất kỳ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nào.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Ví điện tử Momo, việc Chính phủ cho phép sử dụng ví điện tử và nạp tiền vào ví không thông qua tài khoản ngân hàng là bước đi phù hợp với xu thế. Ví điện tử bản chất là công cụ phát triển tài chính toàn diện, nếu yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng mới được sử dụng thì dịch vụ không thể đến với 70% dân số là người dân vùng sâu, vùng xa, những nơi dịch vụ ngân hàng chưa vươn đến.
"Một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển thanh toán qua ví điện tử là thanh toán dịch vụ công, nhất là thuế, phí và thương mại điện tử, vì vậy hạn mức thanh toán qua ví cần phù hợp để có thể thanh toán được những khoản như mua điện thoại, máy tính, đặt các kỳ nghỉ cho gia đình", ông Diệp nói.
Thanh Hoa