Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về giảm thiểu tác động môi trường của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam cho thấy: 67% DN FDI đang hoạt động ở Việt Nam là thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp; công nghệ thấp; tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao gây tác hại đến môi trường.
Như vậy, sức ép phát triển kinh tế đang ngày càng đè nặng lên môi trường. Trong khi Việt Nam chưa tìm ra phương án để hạn chế thì gần đây, những dự án “tỷ đô” lại góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đừng vì lợi ích ngắn hạn!
Những ngày qua, nhiều luồng ý kiến cho rằng nguyên nhân cá chết bất thường ở các tỉnh ven biển miền Trung là do nước biển bị ô nhiễm từ các đại dự án công nghiệp gang thép, nhiệt điện “tỷ đô” tràn lan ở khu vực này.
Trong khi cơ quan chức năng chưa có câu trả lời chính xác thì thông tin một công ty ở Ninh Bình muốn lập dự án giao thông và thủy điện ở sông Hồng với tổng vốn hơn 24.000 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD) lại làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi xoay quanh hiệu quả của dự án, mục đích thật sự của nhà đầu tư, vấn đề tác động đến môi trường sống dọc các tỉnh thành mà sông Hồng chảy qua.
Lo ngại của dư luận là có cơ sở, bởi thời gian qua, nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường đã bị phanh phui như vụ Vedan “bức tử” sông Thị Vải ở Đồng Nai, công ty thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa chôn gần 1.000 tấn chất thải độc hại ra môi trường, công ty Hòa Bình xả thải ra sông Bưởi làm chết cả chục tấn cá nuôi trên sông...
Không thể phủ nhận rằng hàng chục năm qua, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở các lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm như thép, xi măng, nhiệt điện…bằng những chính sách ưu đãi và xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo Ts. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, “So với thế giới, Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Điều đó không có nghĩa là vì chưa phát triển nên chúng ta phải chấp nhận thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Đặc biệt, những tỉnh miền Trung- nơi còn vô vàn khó khăn”
Trao đổi với phóng viên, ông Tuấn quả quyết: “Chúng ta không thể nào chấp nhận trả giá đắt là hy sinh môi trường để có được các dự án tỷ USD hoặc nhiều tỷ USD. Chúng ta không bao giờ đánh đổi được tương lai của đất nước bằng cách này”.
Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu tăng trưởng kinh tế là cái đích để phấn đấu nhưng không thể vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua những tác động, ảnh hưởng lâu dài. Sự lựa chọn nào cũng phải tính trước hết đến môi trường sinh kế của người dân vì có những tổn thất mà không có sự định giá nào có thể bù đắp được.
Muốn kinh tế tăng trưởng bền vững, bằng mọi giá phải bảo vệ môi trường. Đó là quan điểm của hầu hết các chuyên gia kinh tế tại Tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách”.
Thực tế, những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường thường rất khó khắc phục, có những hậu quả gần như không khắc phục được, hoặc phải mất chi phí rất lớn và trong một thời gian rất dài.
Các nhà máy thép có lượng xả thải ra môi trường cao
Bảo vệ môi trường bằng mọi giá
Một số chuyên gia kiến nghị, cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt từ khâu phê duyệt, chấp nhận dự án với những đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc, tuân thủ thực sự đầy đủ các qui định về pháp luật môi trường. Đôi khi những dự án nhỏ hơn, lợi ích kinh tế dường như ít hơn, nhưng bảo vệ môi trường tốt hơn thì về dài hạn lại là những dự án có lợi ích kinh tế cao hơn những dự án lớn mà nguy cơ ô nhiễm hiện hữu.
Ông Tuấn cho rằng: “Nếu những dự án nào có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao mà không đưa ra được biện pháp sử lý chất thải thì cũng phải cương quyết loại bỏ.”
Nhắc đến những đại dự án thép kiểu như Formosa ở Hà Tĩnh, ông Tuấn cho rằng đối với dự án thép như Formosa, chắc chắn không dễ đầu tư sang các nước có những tiêu chuẩn cao về môi trường.
Chẳng hạn như đối với Úc, dù có nguồn quặng sắt lớn nhất thế giới nhưng nước này không khuyến khích và chào đón những dự án thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Nếu phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường và chuẩn xả thải đi cùng với nhiều loại thuế và phí môi trường “cao ngất”, các hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm sẽ không thể hiệu quả và buộc phải đóng cửa hoặc di dời ra nước khác.
Tại phiên họp báo thường kỳ Bộ Công Thương vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không bao giờ đánh đổi môi trường lấy một cái gì đó. Chắc chắn môi trường là quan trọng nhất. Vì môi trường không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ con cháu và nòi giống”.
Người dân đang hy vọng từ lời khẳng định của lãnh đạo Bộ Công Thương, đơn vị đang làm chức năng quản lý nhà nước về các dự án sản xuất công nghiệp, trong đó có những dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ với môi trường như thép, xi măng, nhiệt điện… sẽ được hiện thực hoá bằng hành động. Bởi vì môi trường là thứ không gì đánh đổi được!
Thanh Hoa
Ts Nguyễn Mạnh Hải - Trưởng ban Chính sách dịch vụ công, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Hầu hết DN ở các nước phát triển hơn đầu tư vào nước kém phát triển hơn thường sử dụng công nghệ thấp hơn ở nước họ. Đó là một thực tế khách quan. Nhưng nếu công tác quản lý tốt thì khả năng kiểm soát công nghệ họ sử dụng, hạn chế tác động xấu tới môi trường cũng tốt hơn. Gs Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trong khi các nước phát triển xây dựng quy chuẩn theo từng khu vực, từng nơi chứa nước, thì Việt Nam đưa ra tiêu chuẩn chung chung, đều ứng dụng vào các con sông bị ô nhiễm và chưa ô nhiễm. Việc để quy chuẩn, tiêu chuẩn ở mức thấp, phản ánh thực tế Việt Nam đang chấp nhận đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn Ở Việt Nam, những sự cố về môi trường cho thấy tăng trưởng kinh tế chưa đi đôi với bảo vệ môi trường. Có lúc, có nơi, đã và đang tăng trưởng theo tư duy “bằng mọi giá”, còn trách nhiệm bảo vệ môi trường lại thể hiện theo kiểu đối phó. |