Ông Đinh Minh Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), cho biết với mảng sản phẩm cá tra của công ty hiện nay cũng như các doanh nghiệp (DN) khác trong ngành hàng cá tra đều đang gặp khó khăn chung của thị trường thế giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, dẫn đến việc xuất khẩu (XK) giảm sút.
Chờ thị trường dần ổn định
“Song song những khó khăn đó thì chúng tôi tự vượt qua bằng cách hướng tới tiêu thụ ở thị trường trong nước thông qua việc tiếp cận hệ thống phân phối ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội để kích hoạt tiêu dùng trong nước cho sản phẩm cá tra nhằm giải quyết những trở ngại ở thị trường XK”, ông Tâm nói.
Cần có các hoạt động truyền thông bài bản và dài hơi cho con cá tra trên thị trường xuất khẩu |
Với tính hiệu lực của Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA), vị Phó Giám đốc của Cỏ May cho rằng đây sẽ là điểm sáng cho XK cá tra trong thời gian tới từ việc ưu đãi thuế quan. Về mặt thuận lợi thì rất nhiều, nhưng khó khăn đặt ra cho DN thì cũng không ít nếu như không có sự chuẩn bị đầy đủ và chuẩn mực về mặt chất lượng sản phẩm.
Hiện nay các DN ngành hàng cá tra đang kỳ vọng nhiều vào EVFTA. Mặc dù giá trị XK cá tra Việt Nam sang thị trường EU trong 6 tháng đầu năm nay giảm sút tới 36,6% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng mức tăng trưởng âm đang có dấu hiệu chậm dần.
Ngoài thị trường EU thì hai trong các thị trường XK lớn nhất của cá tra Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc cho tới nay vẫn đang chịu tác động từ dịch Covid-19.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ đã sụt giảm gần 25% trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, thị trường Mỹ với chính sách mở cửa nền kinh tế, chuỗi nhà hàng cũng đã khôi phục, các nhà cung cấp cá tra Việt Nam có thể tin rằng kim ngạch các tháng cuối năm sẽ dần ổn định.
Còn với thị trường Trung Quốc, từ tháng 4/2020, nhu cầu tiêu thụ hồi phục dần nhờ cá tra có giá cả rất phù hợp cho yêu cầu tồn trữ an ninh lương thực và chuỗi nhà hàng cũng đã dần hồi phục. Đáng tiếc, sau đó dịch bệnh tái phát ở chợ Tân Thiên Địa (Bắc Kinh) lại gây tâm lý hoảng sợ hàng hải sản nhập khẩu.
Bà Khanh chỉ rõ cá tra nhập khẩu vào Trung Quốc giờ phải thêm “giấy thông hành - pass covid” để ổn định tâm lý người tiêu dùng. Kênh siêu thị một lần nữa chịu áp lực “hàng nhập khẩu”, trong khi trước đây nhãn “hàng nhập khẩu” này có tác dụng an lòng người tiêu dùng về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Có thể thấy, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các thị trường tiêu thụ cá tra lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU đã dẫn đến kim ngạch XK cá tra trong nửa đầu năm nay đã giảm tới 24,5% so với cùng kỳ năm trước.
Không thể thụ động
Sau khi kịch bản cho ngành hàng cá tra là dịch Covid-19 trên thế giới được kiểm soát trong quý II/2020 xem như không thành thì những dự báo cho thấy ngành hàng cá tra sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nhu cầu và hoạt động vận chuyển trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng chính xác tính đến thời điểm hiện tại là rất khó dự báo.
Ước tính doanh số XK của các DN ngành hàng cá tra trong quý I và quý II/2020 đã giảm khoảng 30-50% trong bối cảnh mà dịch bệnh tại các thị trường Mỹ, EU còn diễn biến phức tạp.
Mặc dù vậy, các DN cá tra vẫn kỳ vọng việc XK sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn sang thị trường EU và Mỹ kể từ quý III/2020 với điều kiện dịch bệnh không bùng phát mạnh hơn.
Thậm chí, các nhà phân tích chứng khoán còn lưu ý là mức độ thiệt hại của ngành cá tra Việt Nam ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là rất khó dự báo. Hơn nữa, mức độ biến động của thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện tại khá cao, do vậy, họ khuyến nghị nhà đầu tư không đầu tư vào các cổ phiếu của các DN ngành cá tra trong giai đoạn này.
Giới chuyên gia khuyến cáo các DN cá tra Việt Nam nên phân bổ tài chính, nguồn lực thích hợp để vượt qua giai đoạn mà nhu cầu từ tất cả các thị trường đều sụt giảm, đồng thời sát cánh cùng người nuôi cá tra để giữ ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất.
Có ý kiến còn ví von “XK cá tra đang tự bơi giữa các cơn sóng thần” khi dựa vào lợi thế về giá rẻ. Khi bị tẩy chay hoặc bị tấn công bằng các rào cản ở nước nhập khẩu hoặc như diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì các DN đều thụ động hoặc không phản ứng kịp thời”.
Dưới góc nhìn của một DN XK cá tra hàng đầu Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ dịch Covid-19, bà Trương Thị Lệ Khanh cho rằng bài học Covid-19 cho DN trải nghiệm nên cân bằng hơn giữa Foodservice (Kênh dịch vụ thực phẩm) và Retail (kênh bán lẻ), cần có các hoạt động truyền thông kịp thời để ổn định tâm lý thị trường.
“Chúng ta cần kết hợp với các nhà nhập khẩu ngoài xây dựng lại thương hiệu, cần có các hoạt động truyền thông bài bản và dài hơi cho con cá tra. Hoạt động truyền thông sẽ giúp người tiêu dùng nhận diện cá tra Việt Nam giữa hàng nghìn sản phẩm bày bán ở siêu thị để ưu tiên lựa chọn không chỉ cho mùa dịch mà cả cho đời sống thường nhật”, bà Khanh nhấn mạnh.
Thế Vinh