Bà Phan Thị Mỹ Lan, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tân Bách Đạt - chuyên cung cấp máy móc đóng gói thực phẩm nông sản chế biến, cho biết đến thời điểm này, đơn hàng của công ty vẫn ổn, nhưng với các đối tác xuất khẩu (XK) nông sản chế biến thì không ổn.
Không thể thiếu nguồn cung
Theo bà Lan, trước tác động của dịch Covid-19 khiến XK nông sản chậm lại, tuy chịu ảnh hưởng ít nhiều nhưng các nhà XK vẫn có nhu cầu đặt mua các thiết bị máy móc nhập khẩu để đóng gói, chế biến nông sản để vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu sản phẩm sạch của người tiêu dùng.
Công nghiệp chế biến cần thêm các chính sách về phía cung |
Vì thế, vị giám đốc này cho rằng thị trường đóng gói bao bì cho ngành hàng nông sản thực phẩm chế biến trong năm nay sẽ bị ảnh hưởng, nhưng mức độ có thể sẽ không quá nặng khi mà nhu cầu về nguồn cung không giảm.
Với ngành hàng nông sản thực phẩm chế biến nói riêng hay công nghiệp chế biến nói chung, việc vượt khó, hồi phục đà tăng trưởng trong thời điểm thách thức của dịch bệnh là điều cực kỳ quan trọng. Và nhu cầu về nguồn cung nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu đối với doanh nghiệp (DN) là điều không thể thiếu.
Mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) có đưa ra gợi ý các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) nên tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Theo Cục trưởng Trương Thanh Hoài, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất.
Trong đó, một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện - điện tử. Hiện nay, các DN điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện, phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp kiến nghị các Bộ, ngành xem xét các chính sách gia hạn thời gian trả nợ các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh của các DN, chính sách miễn, giảm thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng sớm, cho phép chậm nộp thuế hoặc không tiến hành xử phạt chậm nộp thuế đối với các DN chưa nộp thuế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ngoài ra, có thể hỗ trợ DN trả chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động trong trường hợp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh; xem xét hoàn trả tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư cho các dự án đang tiến hành triển khai, chưa đi vào hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Công nghiệp chế biến làm tăng giá trị nông sản. Trong ảnh: chế biến xuất khẩu hạt điều. |
Cần chính sách về phía cung
Ts. Phạm Thị Thu Trà, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định dịch bệnh đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho phía cung của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều lĩnh vực sản xuất trong nước bao gồm giày dép, dệt may, điện tử, sản xuất xe cơ giới phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những lĩnh vực này chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh trong ngắn hạn và các tác động có thể kéo dài ngay cả sau khi dịch bệnh được kiềm chế trong nước và khu vực. Thách thức tương tự cũng đang lan tỏa tới nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - những DN đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự và chuyên gia đến từ Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan, bên cạnh tình trạng thiếu nguyên liệu.
Theo bà Trà, các DN như Tập đoàn LG, Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Nike cho biết doanh thu của họ sẽ giảm đáng kể trong năm nay do việc dừng cung nguyên liệu đột ngột. Các DN nhỏ hơn lo ngại có thể phải hủy đơn hàng XK và tạm dừng hoạt động nếu dịch bệnh không sớm được ngăn chặn.
Cú sốc cung này khó đối phó hơn. Các biện pháp tiền tệ và tài khóa (được gọi chung là các giải pháp chính sách ngắn hạn) sẽ không hiệu quả, do vậy sẽ cần có các chính sách về phía cung. Để hạn chế tổn thất tiềm tàng, các DN trong các lĩnh vực này cần tích cực tìm kiếm một giải pháp nội bộ trước khi nhờ đến sự hỗ trợ của Chính phủ.
Thay vì mở rộng kinh doanh, Ts. Phạm Thị Thu Trà cho rằng đã đến lúc tập trung vào giá trị kinh doanh cốt lõi thông qua chuyển đổi hoạt động, nâng cấp hệ thống quản lý tài chính và tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng mới.
Cần chú ý rằng việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới cũng sẽ khá khó khăn do những xáo trộn trong chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn hiện nay và có thể là trong những năm tới.
“Những nỗ lực không ngừng của Chính phủ để thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ đột phá hiện có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, fintech (công nghệ tài chính), blockchain (công nghệ chuỗi khối) và các công nghệ đột phá khác sẽ thúc đẩy năng lực cạnh tranh và năng suất quốc gia, giúp nền kinh tế hồi phục trong trung và dài hạn”, bà Trà chia sẻ.
Thế Vinh