Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điều này không chỉ khiến Việt Nam chưa thể thực hiện ngay chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc, mà còn khó cạnh tranh với các nước trong khu vực trong việc hút nguồn vốn chất lượng cao.
Khó tận dụng cơ hội?
Theo Ts. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, xu hướng dịch chuyển dòng vốn giữa các quốc gia lúc nào cũng có. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ khiến xu hướng này diễn ra mạnh hơn, thành làn sóng, "cơn lốc" và theo cách "tháo chạy" một chiều, không chỉ đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, mà cả với các nhà đầu tư Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là nếu những nhà đầu tư rút vốn đầu tư khỏi Trung Quốc, họ sẽ vào đâu. Việt Nam tiếp tục đóng vai trò trong logic "Trung Quốc + 1", sẽ là một địa chỉ thay thế được chú ý. Đó có thể là cơ hội rất tốt cho Việt Nam.
Liệu Việt Nam đã tận dụng được cơ hội này? Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), chia sẻ khi chiến tranh thương mại xảy ra, nhiều người xem đây là cơ hội để Việt Nam thu hút dòng vốn FDI, trong đó có Nhật Bản, nhưng số liệu thực tế không như kỳ vọng.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2018, đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc tăng 14,4%, trong khi năm 2017 chỉ tăng 2,4%. Điều này cho thấy đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc không hề giảm.
Cùng thời gian này, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam chỉ tăng 8,2%, trong khi năm 2017 tăng 19,7%.
"Chúng ta vẫn nói cơ hội lớn nhưng thực tế không cho thấy như vậy", bà Trang đặt vấn đề.
Nhìn nhận về cơ hội của Việt Nam trong cuộc chiến thương mại này, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cho biết Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc và Mỹ.
Hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa nằm trong top các quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất. Tuy nhiên, muốn tận dụng được cơ hội này, Việt Nam cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết đang gây phiền hà, sách nhiễu nhà đầu tư.
Cùng với đó, ông Bruno Angelet, Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đánh giá tiềm năng đầu tư của EU vào thị trường Việt Nam hiện nay vẫn chưa được khai thác tối ưu. Trong thập kỷ vừa qua, đầu tư của EU tại Việt Nam mới chỉ đạt 22,2 tỷ USD về giá trị đầu tư với 2.028 dự án.
Hiện nay, đầu tư của EU vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các ngành chế tạo và sản xuất công nghiệp, trong khi đầu tư vào các ngành kinh tế khác vẫn còn khiêm tốn, thấp hơn mức tiềm năng.
Ông Bruno Angelet chia sẻ tính tới thời điểm hiện tại, chính sách thu hút FDI của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào cắt giảm thuế quan và miễn giảm thuế nhập khẩu. Nhiều nhà đầu tư tới Việt Nam do chính sách ưu đãi đầu tư và chi phí lao động rẻ. Trong tương lai, việc thu hút các dự án FDI đổi mới và có trình độ công nghệ cao đòi hỏi phải có các công cụ và chính sách đầu tư phức tạp hơn.
Trình độ nhân lực và công nghệ hỗ trợ là những "nút thắt" lớn nhất trong thu hút FDI chất lượng |
Tháo "nút thắt" cản trở
Trong khi đó, với các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Yasunori Onishi, chuyên gia điều phối viện trợ, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chia sẻ chi phí lao động Việt Nam đang tăng lên sẽ kéo giảm sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng thể chế Việt Nam chưa hiệu quả, các thủ tục hành chính còn gây nhiều phiền phức cho nhà đầu tư.
PGs.Ts. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kể lại câu chuyện về một DN FDI của Nhật Bản khi đầu tư ở Đà Nẵng: "Họ cho biết vì nghĩ rằng Đà Nẵng là trung tâm kinh tế của miền Trung-nơi hội tụ lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, sau khi tuyển dụng các kỹ sư tốt nghiệp từ Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng), DN này hoàn toàn thất vọng vì lao động Việt lại không biết vận hành một chiếc máy đơn giản trong khi lao động tốt nghiệp trình độ trung cấp ở Nhật làm trơn tru. Cuối cùng, công ty này phải gửi lao động Việt Nam sang Nhật 5 tháng để đào tạo lại".
Về chất lượng nguồn lao động, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH, cho biết đến cuối năm 2017, gần 80% số người làm việc trong các DN FDI là lao động không có bằng cấp/ chứng chỉ đào tạo và tỷ lệ này gần như không thay đổi kể từ năm 2011. Trong một thời gian dài, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưu tiên thực hiện các hoạt động gia công để khai thác lợi thế ưu đãi.
Vì vậy, muốn thu hút nguồn vốn FDI, cần coi đào tạo nguồn nhân lực là một mục tiêu quan trọng. Cần nhanh chóng triển khai các giải pháp để một mặt thu hút lao động có kỹ năng vào khu vực FDI, mặt khác nhanh chóng đào tạo lại cho công nhân để thích ứng với các thay đổi của khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, một trong những điểm trừ của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài là công nghiệp phụ trợ yếu kém.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay có nhiều dự án FDI sản xuất sản phẩm công nghệ cao nhưng gần như không tạo ra giá trị gia tăng trong nội địa vì máy móc, nguyên vật liệu, công nghệ sản xuất đều được nhập khẩu và sản phẩm đầu ra được xuất khẩu 100%. Nói cách khác, đây là dự án chế xuất, nên lợi ích thu được cho quốc gia chỉ là giải quyết việc làm cho người lao động.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng định hướng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, sử dụng sản phẩm đầu vào trong nước, thay thế nhập khẩu. Điều này không những góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm, mà còn có tác động lan tỏa đến các DN công nghiệp trong nước khi trở thành nhà cung ứng cho các DN FDI.
Gs. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cũng cho rằng một khi trình độ nhân lực và công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chúng ta khó mà yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho Việt Nam như cách Trung Quốc đã làm.
Đặc biệt, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, lo ngại với sự tự do lưu chuyển vốn, hàng hóa, dịch vụ, lao động có kỹ năng trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước trong khu vực, nhất là với một số nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia ở các ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại ngày càng gay gắt hơn, trong khi năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với các nước này còn khoảng cách khá xa.
Lê Thúy
Ts. Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Thực tế, dòng vốn nước ngoài được đầu tư theo nguyên tắc nơi nào có lợi nhuận thì họ sẽ đầu tư. Bởi vậy, Việt Nam đừng quá mong chờ, kêu gọi khối ngoại chuyển giao công nghệ. Người ta sẽ sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam nếu họ nhìn thấy lợi nhuận. Có lẽ cơ bản nhất là Việt Nam phải tích cực, hăng hái vươn lên thay vì chỉ thụ động ngồi chờ. Ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam Việc nâng cao năng lực làm việc của người lao động trên thực tế là khó khăn lớn nhất, hiện như "hòn đá" ngăn cản việc chuyển giao công nghệ của các DN. Để thu hút được những dự án đầu tư lớn, việc đảm bảo nguồn nhân lực về khoa học kỹ thuật là rất cần thiết. Ông Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Việc quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, tạo tính minh bạch, lành mạnh và công bằng sẽ giúp thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các DN của Nhật Bản, Hàn Quốc… Đồng thời hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ châu Âu (Đức, Ý) và Mỹ. |