Ngày 10/5, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương), cho biết thuế nhập khẩu tự vệ mặt hàng dầu thực vật (dầu nành và dầu cọ tinh luyện) vào Việt Nam chỉ còn 2%, tính từ ngày 8/5/2016 đến 7/5/2017.
Đây cũng là cột mốc thuế cuối cùng cho biện pháp tự vệ đối với mặt hàng nói trên, nếu sau năm 2017, Bộ Công Thương không xem xét việc gia hạn thuế. Điều này cũng có nghĩa ngành sản xuất dầu ăn trong nước sẽ chấm dứt được bảo vệ.
Nếu không áp thuế?
Thông tin trên khiến nhiều người nhớ lại tình cảnh mà ngành dầu ăn trong nước đã gặp phải hồi năm 2013 khi Bộ Công Thương chưa ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu. Trước đó, thuế suất 0% dành cho dầu ngoại đã đẩy dầu nội vào chân tường.
Để rồi, cuối năm 2012, Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) đã phải gửi đơn đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu.
Sau 8 tháng điều tra, vào tháng 8/2013, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với các mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất dầu ăn trong nước gặp khó khăn do cạnh tranh không cân sức, có hiệu lực kéo dài trong 4 năm.
Qua từng năm, mức thuế nhập khẩu được giảm dần, từ mức 5% của năm đầu tiên áp thuế sẽ chỉ còn 2% vào tháng 5/2017.
Khi đó, sản lượng nhập khẩu dầu ngoại thuộc đối tượng điều tra không ngừng gia tăng, từ 269.000 tấn năm 2009 lên 568.896 tấn năm 2012, còn thị phần dầu nội liên tục thu hẹp từ 52% năm 2009 giảm còn 27% năm 2012. Tổn thất rất lớn đã xảy ra: sản lượng dầu ăn nội giảm 33%, doanh thu giảm 38%, lợi nhuận giảm 31%, lực lượng lao động giảm 19%.
Và nguyên nhân chính là thuế suất 0% từ ngày 1/1/2012 theo Hiệp định AFTA đã tạo cơ hội cho dầu ngoại tràn vào Việt Nam. Dầu ngoại chủ yếu đến từ Malaysia (81%) và Indonesia (19%), trong đo, dầu cọ chiếm tới 565.000 tấn, dầu nành chỉ có 4.000 tấn, đạt tổng giá trị nhập khẩu hơn 592 triệu USD/năm 2012.
Theo quy định của WTO, mọi quốc gia thành viên đều có quyền áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời nếu chứng minh mặt hàng nhập khẩu gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước. Bởi vậy, đối với hai mặt hàng dầu cọ và dầu nành có mã HS là 1507.90.90, 1511.90.91, 1511.90.92, 1511.90.99, Việt Nam quyết định áp thuế chống phá giá 5% kể từ tháng 5/2013 đến tháng 5/2014, sau đó giảm dần bằng 0% đến tháng 5/2017.
Kể từ 8/5/2016 đến 7/5/2017, mức thuế là 2%. Từ 8/5/2017 trở đi (nếu không gia hạn), mức thuế sẽ về 0%. Đây cũng là cột mốc thuế cuối cùng cho biện pháp tự vệ đối với mặt hàng nói trên, nếu sau năm 2017, Bộ Công Thương không xem xét việc gia hạn thuế.
Điều này cũng có nghĩa ngành sản xuất dầu ăn trong nước sẽ chấm dứt được bảo vệ sau một thời gian dài áp thuế các sản phẩm dầu ăn nhập khẩu từ các nước và có nguy cơ lại tiếp tục rơi vào “chân tường” lần hai và sẽ bị dầu ăn ngoại đè bẹp.
![]() |
Dầu Việt có thể lại bị dồn vào “chân tường”
Phụ thuộc nguyên liệu
Theo dự báo của Bộ Công Thương, tiêu thụ dầu thực vật trung bình mỗi người Việt Nam sẽ tăng lên 16 kg/người/năm vào 2020 và 18,5 kg vào 2025. Đồng thời, theo Quy hoạch Phát triển ngành dầu thực vật Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2020, sản lượng dầu thực vật tinh luyện và dầu thực vật thô (các loại) của Việt Nam lần lượt là 1,58 triệu tấn và 370 nghìn tấn.
Ngay cả khi đã áp thuế đối với dầu nhập khẩu, qua khảo sát trên thị trường Việt Nam hiện nay, nhiều nhãn dầu ăn được nhập khẩu từ nước ngoài vẫn “sống khỏe” như Sailing Boat thường được gọi là Cánh Buồm. Dầu ăn Sailing Boat hiện đang chiếm lĩnh thị trường tại Singapore, Malaysia, và đang dần chiếm thị trường Việt Nam. Sailing Boat gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2009.
Hay tại các siêu thị lớn, các hãng dầu ăn được nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Singapore như Knife, Cooking kudu, Omely, đậu nành Capri… cũng đang chiếm ưu thế và được nhiều người mua vì giá cả không chênh nhiều so với hàng nội.
Trong khi đó, Tổng công ty Vocarimex dù nắm trong tay miếng bánh thị phần lớn nhất ngành này từ nhiều năm qua nhưng thị phần lại ngày càng bị rơi rụng nhiều. Cụ thể, thị phần trong nước của Vocarimex giai đoạn 1994-2000 đã tăng từ 50% lên 95% nhưng tính từ đó đến năm 2010, thị phần giảm xuống còn khoảng 90%, đến 2015 còn khoảng 80%.
Bên cạnh đó, thị phần dầu ăn cũng đánh dấu sự tham gia của các tập đoàn đa ngành như Tập đoàn Sao Mai An Giang (hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, thủy sản) hay công ty cổ phần dầu thực vật Quang Minh, với nhãn hiệu Mr Bean, Oilla, Soon Soon.
Tuy nhiên, lo ngại vẫn ở chỗ doanh nghiệp trong nước đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, chiếm khoảng 90%, gồm dầu cọ Malaysia, dầu hướng dương châu Âu…
Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor cho rằng nguyên nhân chính gây sụt giảm doanh thu trong các năm qua của các DN ngành dầu ăn Việt Nam do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Quy mô thị trường dầu ăn Việt Nam hiện nay đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm, nhưng đến 90% nguyên liệu phải nhập từ Malaysia và Indonesia.
Lê Thúy