Nhiều vấn đề được các Hiệp hội DN thương mại Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh Quốc,… tại Việt Nam đưa ra. Trong đó, vấn đề thủ tục hành chính và thúc đẩy liên kết là vấn đề được các Hiệp hội thương mại đặc biệt quan tâm.
Thủ tục hành chính vẫn luôn là “bài toán” khó của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đây là gánh nặng có thể cản trở sự phát triển và dẫn đến tham nhũng, hạn chế nguồn lực con người, các quy định cấp phép không rõ ràng, hạn chế và phức tạp.
Giải “bài toán” thủ tục hành chính
Đề cập tới vấn đề này, ông Virginia B. Foote – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), cho biết: “Việc hiểu và áp dụng luật định không nhất quán, thực thi luật không thường xuyên, đồng đều, sự thiên vị, và luật pháp không rõ ràng vẫn là những thách thức với các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam”.
Để giải quyết vấn đề thủ tục hành chính và củng cố khu vực tư nhân, ông Virginia B. Foote cho rằng: “Chúng ta cần có những sáng kiến để hỗ trợ thay vì hạn chế các cơ hội kinh doanh giữa công ty Việt Nam và công ty nước ngoài”.
“Một ví dụ cụ thể là chúng tôi hy vọng Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước sẽ không áp đặt một hệ thống không cạnh tranh lên trên các hệ thống quốc tế hiện đại, sáng tạo tin cậy và đã được sự dụng trên toàn cầu. Chúng tôi cũng khuyến khích Chính phủ đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các sòng bạc trong nước, sòng bạc đầu tư nước ngoài và các dự án du lịch khác”, ông B. Foote tiếp tục.
Chủ tịch AmCham kiến nghị Chính phủ tăng cường vai trò điều tiết, và quan tâm đến thực tế rằng sự không rõ ràng trong các luật định có thể bị lạm dụng trong việc chon ra kẻ thắng người thua một cách không công bằng.
Ông Han Dong Hee – Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc (KoCham) cũng cho rằng thủ tục hành chính và các vấn đề pháp lý đang gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Chủ tịch KoCham kiến nghị sửa đổi các quy định cứng nhắc và chung chung của Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 của Bộ KH&CN, nhằm giảm thiểu các khó khăn khi nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Nới lỏng các quy định về thuế nhập khẩu đối với máy móc cho DN chế xuất sử dụng dưới hình thức cho thuê. Đồng thời nới lỏng quy định về thuế đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam theo các điều kiện DTA, DAP, DDP của Incoterms.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng: “Chúng ta dường như đang lạm dụng các giải pháp quản lý, đăt ra rất nhiều gánh nặng hành chính, thủ tục cấp phép mà chưa lường đến những áp lực, khó khăn tao ra cho DN, làm giảm cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Điển hình như thủ tục kiểm định formaldehyt đối với hàng dệt may trước đây, thủ tục dán nhãn năng lượng,… tạo ra những chi phí khủng khiếp cho DN trong khi mục tiêu quản lý là không rõ ràng hoặc không đáng kể. Việc Bộ Công thương vừa bãi bỏ thông tư 37 về formaldehyt là điển hình tốt cần tiếp tục nhân rộng”.
Rõ ràng, thủ tục hành chính đang là “căn bệnh cố hữu” đang gây cản trở lớn cho các DN tại Việt Nam đặc biệt là khu vực tư nhân. Các thủ tục hành chính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tại Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội DN Châu Âu (EuroCham), ông Tomaso Andreatta nhấn mạnh: “Việc cải thiện môi trường hành chính sẽ nâng cao khả năng đầu tư vào Việt Nam so với các nước láng giềng trong khu vực ASEAN và sẽ giúp các DNVVN Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ”.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự VBF 2016
Đẩy mạnh liên kết
Kết nối đầu tư nước ngoài với các DN Việt Nam là một trong những điều kiện tiên quyết tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân. Để làm được điều này, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) cho rằng cần phải tập trung mở rộng quan hệ mua bán phụ tùng và sản phẩm từ các DN Việt Nam. Theo đó, cấn phải có các kênh để các DN FDI có thể tiếp cận được hàng hóa trung gian từ các DN vừa và nhỏ của Việt Nam.
Để tăng cường mối liên kết giữa DN trong nước và DN FDI , Chủ tịch KoCham Han Dong Hee, cho rằng: “Cần có một kênh thông tin để 2 bên thấu hiểu lẫn nhau. Do đó, cần thành lập một cơ quan giúp kết nối DN FDI và DNVVN tại Việt Nam để tạo thuận lợi tìm kiếm các cơ hội kinh doanh. Cần thành lập một cơ quan (có thể là Ủy ban Hợp tác Đầu tư) chuyên làm nhiệm vụ cung cấp các thông tin về DNVVN Việt Nam cho các DN FDI trước khi đưa ra các tư vấn cho từng trường hợp cụ thể”.
“Cần có một chính sách để khuyến khích, lựa chọn và quảng bá các DN FDI đã tích cực hợp tác với các DN Việt Nam. Ngoài ra, cần tạo ra các chương trình trực tiếp kết nối các DN FDI và người lao động trong nước có chất lượng cao để tăng thêm hiệu quả kết nối lao động”, ông Han Dong Hee đề xuất.
Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham) cũng đồng tình việc tăng cường liên kết sẽ tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân. Ông B. Foote – Chủ tịch Amcham, cho hay: “Chúng tôi sẵn sang liên kết, phối hợp với chính phủ Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực. Điển hình như An ninh mạng, internet là công kinh doanh thiết yếu nhưng tội phạm mạng đang là mối đe dọa lớn, và Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Vì vậy, AmCham sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân nhằm giải quyết vấn đề nổi cộm này”.
“AmCham cũng sẵn sàng liên kết với Chính phủ hiện đại hóa và cải thiện chương trình giảng dạy, đặc biệt ở cấp độ đại học và các trường dạy nghề, giúp thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục và kinh nghiệm làm việc thực tiễn với các nước láng giềng”, ông B. Foote, tiếp tục.
Liên kết trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực cũng là lĩnh vực được Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam quan tâm (BBGV). “Chúng tôi kiến nghị cộng đồng DN và các trường đại học, cao đẳng cần liên kết chặt chẽ, vừa để nắm bắt nhu cầu thị trường nhân lực, vừa để chia sẻ quan điểm nhằm phát triển các chương trình đào tạo tốt hơn”, ông Kenneth M. Atkinson – Chủ tịch BBGV, cho biết.
Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBA) lại tỏ ra quan tâm hơn tới việc liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại diện JBA bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ tích tụ các công nghệ cao về quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, cũng như các mặt hàng phân bón, hóa chất nông nghiệp chất lượng cao.
Hiến Nguyễn