Đại diện một doanh nghiệp (DN) đầu chuỗi cung ứng, ông Jeff Nessom - Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH Techtronic Industries (TTI) Việt Nam cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn việc kết nối với các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam để có thể trở thành nhà cung ứng đạt chuẩn của TTI.
“Lọt mắt xanh” doanh nghiệp đầu chuỗi
Theo ông Nessom, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, đảm bảo uy tín trong các hợp đồng... là điều mà các nhà cung cấp vừa và nhỏ của Việt Nam cần lưu tâm.
“Các nhà cung cấp vừa và nhỏ cần phải thiết lập được năng lực cho mình để hiện thực hóa cơ hội hợp tác với các DN đầu chuỗi và tiếp cận mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Nessom nói.
Các DN vừa và nhỏ ngành công nghiệp hỗ trợ cần thiết lập năng lực để “lọt mắt xanh” của các DN đầu chuỗi sau những gián đoạn từ dịch Covid-19. |
Chia sẻ với các DN ở Tp.HCM trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại một diễn đàn bàn về cơ hội kết nối với các DN đầu chuỗi cung ứng, Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật TTI Việt Nam cho biết thêm là thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm khoảng 200 nhà cung ứng ở Việt Nam nhằm có thể làm nhà cung ứng cho TTI trong các lĩnh vực như kim loại, điện tử và nhựa.
Hiện tại, TTI Việt Nam đang có dự án đầu tư 650 triệu USD vào Khu công nghệ cao TPHCM nhằm triển khai đầu tư khu vực sản xuất, nghiên cứu và phát triển (R&D) với mong muốn dịch chuyển thêm nhiều hoạt động vào Việt Nam.
Hồi năm ngoái, doanh số xuất khẩu của DN đầu chuỗi này ở Việt Nam đã đạt 300 triệu USD và TTI rất cần sự hợp tác với các nhà cung ứng nội địa để có thể đạt được mục tiêu nâng doanh số xuất khẩu lên 1,5 tỷ USD.
Giới chuyên gia cho rằng, việc tăng cường kết nối nhằm “lọt mắt xanh” của DN đầu chuỗi (điển hình như TTI) sẽ giúp cho các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam phục hồi sau những gián đoạn của chuỗi cung ứng do dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, các DN nội cần phải hiểu được khoảng cách kỹ thuật và kỹ năng của họ trước tiên, cũng như các tiêu chuẩn QCD (Chất lượng, giá thành và giao hàng) để bắt đầu nâng cấp năng lực.
Các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng cần khắc phục những hạn chế trong việc kết nối thị trường. Đặc biệt là sự đứt gãy, gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 khiến các DN công nghiệp hỗ trợ vẫn đang phải xoay xở để tìm kiếm khách hàng và cơ hội thị trường mới.
Vượt qua những “vòng loại”
Ở góc nhìn của một nhà cung ứng nội địa khi đang cung cấp cho một DN đầu chuỗi trên toàn cầu, ông Nguyễn Thành Danh - Giám đốc Công ty TNHH Sakura (chuyên sản xuất các loại sản phẩm nhựa kỹ thuật công nghiệp), nhấn mạnh đến việc để trở thành nhà cung cấp, DN phải đầu tư dây chuyền thiết bị và những quy trình quản lý chất lượng, quy trình về công nghệ... nhằm vượt qua được những kỳ đánh giá của các DN đầu chuỗi.
“Khi đã vượt qua được những “vòng loại” đó thì sẽ hiển nhiên trở thành nhà cung cấp chính thức”, ông Danh nói.
Tuy nhiên, theo ông Danh, khi đầu tư vào Việt Nam, những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có rất nhiều yêu cầu về hàng hoá. Đặc biệt là những vấn đề mà ông Jeff Nessom đã lưu ý, đó là phải giao hàng đúng hẹn và có năng lực sản xuất nhất định để đạt chất lượng sản phẩm như yêu cầu.
Nếu như nhà cung cấp không giao hàng đúng hẹn, không đảm bảo chất lượng thì dây chuyền sản xuất của DN đầu chuỗi sẽ gặp trục trặc dẫn đến tổn thất lớn.
“Cho nên, như DN của chúng tôi, phải tìm cách để đảm bảo không gây ra những khó khăn, những trở ngại cho các đối tác của mình”, Giám đốc Sakura chia sẻ.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một số chủ DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Tp.HCM cũng cho biết, để đáp ứng các yêu cầu từ DN đầu chuỗi, rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan có liên quan nhằm giúp họ có được năng lực nhất định.
Cụ thể như hỗ trợ về hạ tầng sản xuất (đơn cử như nhà xưởng). Giám đốc một DN chuyên sản xuất nhựa ép phun (máy đúc nhựa) chia sẻ, với đặc thù ngành nghề công nghiệp hỗ trợ của công ty cần mặt bằng lớn để vừa chứa nhiên liệu vừa chứa máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất rất lớn và có kho chứa rộng để sẵn sàng cung cấp hàng hóa ngay lập tức theo yêu cầu từ phía DN đầu chuỗi.
Do đó, các DN công nghiệp hỗ trợ hoạt động trên địa bàn Tp.HCM rất cần hỗ trợ về mặt bằng đủ lớn để có thể xây dựng nhà xưởng quy mô.
Dưới góc độ quản lý, bà Lê Bích Loan - Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Tp.HCM cho biết, Khu công nghệ cao đang dành quỹ đất 162.000 m2 cho các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước đầu tư.
Ngoài vấn đề nhà xưởng, giới chuyên gia khuyến nghị các nhà cung cấp đầu chuỗi có thể đầu tư cho nhà cung cấp nội địa tiến hành đào tạo, R&D. Một loạt công cụ hỗ trợ có thể sử dụng để cải thiện khả năng vay vốn ngân hàng cho nhà cung cấp nội địa, từ hỗ trợ trực tiếp đến hỗ trợ tài chính gián tiếp thông qua ưu đãi thuế.
Thế Vinh