Doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài vẫn phàn nàn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận hệ thống bán lẻ Việt Nam như phải kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) và mở rộng phạm vi các cơ sở bán lẻ phải thực hiện ENT. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ của Việt Nam quá lớn khiến các DN này không ngần ngại tăng vốn đầu tư.
Niềm tin suy giảm
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2011- 2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm. 6 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 2.120.895 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Điều này cho thấy sức mua trên thị trường đang tăng trưởng rất tốt. Dự báo quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam tăng liên tục từ 88 tỷ USD năm 2010 lên 179 tỷ USD vào năm 2020.
Nếu như giai đoạn trước, trung tâm thương mại, đại siêu thị và siêu thị là đích ngắm của nhà đầu tư nước ngoài, thì trong vài năm trở lại đây, phân khúc cửa hàng tiện lợi trở nên hấp dẫn.
Đầu năm 2018, DN bán lẻ GS Retail (Hàn Quốc) gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam, đến nay đã mở 10 cửa hàng tiện lợi và tham vọng sẽ mở hơn 2.000 cửa hàng trong vòng 10 năm tới.
Hiện nay, các DN nước ngoài đang chi phối thị trường cửa hàng tiện lợi như GS25 Hàn Quốc: 10 cửa hàng, 7-Eleven (Nhật Bản): 18 cửa hàng, Shop & Go (Singapore): 119 cửa hàng, MiniStop (Nhật Bản): 121 cửa hàng, Family Mart (Nhật Bản): 136 cửa hàng, BsMart (Thái Lan): 147 cửa hàng, Circle K (Mỹ): 278 cửa hàng… Chắc chắn tham vọng của các chuỗi bán lẻ trên đều hướng tới con số hàng nghìn cửa hàng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long, từng chia sẻ: hiện nay, Big C tập trung chủ yếu ở phân khúc trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, nhưng thời gian tới sẽ phát triển các cửa hàng tiện ích để tiếp cận khách hàng nhanh chóng nhất.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, dự báo xu hướng yêu thích của người tiêu dùng là "nhỏ và đẹp" sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Vì vậy, các cửa hàng định dạng nhỏ (cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini…) xuất hiện khắp nơi trong vài năm qua.
Sự xuất hiện của các cửa hàng tiện lợi nước ngoài không chỉ là mối lo của các siêu thị, cửa hàng tiện ích Việt Nam, mà đang trở thành đối thủ trực tiếp với hệ thống cửa hàng tạp hóa – lâu nay vẫn đang khẳng định vị trí vững chắc ở cả thành thị và nông thôn.
Theo thống kê của Nielsen Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có hơn 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, kênh thương mại truyền thống là kênh lớn nhất cả về số lượng cửa hàng và về đóng góp doanh thu vào ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Ở khu vực thành thị, kênh thương mại truyền thống đóng góp khoảng 83% tổng doanh thu tương đương gần 10 tỷ USD trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, cho thấy vai trò quan trọng của kênh thương mại này trong một thị trường cạnh tranh như Việt Nam.
Tuy nhiên, theo một khảo sát mới nhất của Nielsen Việt Nam, mức độ tự tin của các chủ cửa hàng tạp hóa truyền thống vào ngành bán lẻ và tình trạng kinh doanh của họ trên khắp Việt Nam đang ở mức thấp trong 2 năm qua, đặc biệt là ở khu vực thành thị.
Cụ thể, chỉ số niềm tin các nhà bán lẻ truyền thống giảm nhẹ xuống 68 điểm, so với 69 điểm trong quý I/2017. Các nhà bán lẻ của kênh thương mại truyền thống cũng bày tỏ mối quan tâm lớn về sức mua hàng của người tiêu dùng, lưu lượng người tiêu dùng đến cửa tiệm và sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ khác.
Tiệm tạp hóa phải tự đổi mới mình nếu muốn tồn tại |
Tăng sức đề kháng
Chị Thùy Liên, chủ tiệm tạp hóa tại Cổ Nhuế (Hà Nội), chia sẻ: thời gian gần đây, để bán được hàng, chị phải chạy nhiều chương trình khuyến mãi với quà tặng đi kèm, nếu không giá phải rẻ hơn siêu thị, cửa hàng tiện ích ít nhất 500- 1.000 đồng/sản phẩm mới mong có khách.
Trong khi đó, nhiều cửa hàng tạp hóa vay mượn tiền đầu tư thêm hệ thống tủ mát, tủ lạnh để kinh doanh thực phẩm tươi sống với mong muốn không thua kém cửa hàng tiện ích.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, PGs.Ts. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nhận định hai năm vừa qua, cửa hàng tạp hóa truyền thống đang phải chịu sức ép từ kênh bán lẻ hiện đại, đặc biệt khoảng cuối năm 2017 trở lại đây, cạnh tranh càng gay gắt.
"Việc kinh doanh buôn bán hàng hóa trên thị trường Việt Nam trong khoảng thời gian vừa qua là rất khó khăn, tôi đã nhiều lần cảnh báo nếu chúng ta không để tâm đến việc xây dựng phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn ngay trên chính thị trường nội địa. Đây không còn là vấn đề riêng của hệ thống bán buôn, bán lẻ, mà là vấn đề của cả nền sản xuất", ông Thịnh cảnh báo.
Thời gian tới, để phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ trong nước nói chung và các cửa hàng tạp hóa nói riêng, theo ông Thịnh, Nhà nước cần phải có chính sách gắn kết giữa DN, cơ sở sản xuất với hệ thống phân phối tạo thành chuỗi sản xuất cung ứng hàng tiêu dùng, từ đó hạ thấp chi phí sản xuất kinh doanh, bởi chi phí cao chắc chắn người bán lẻ hàng hóa gặp khó khăn.
Đồng thời, liên kết ngay trong hệ thống bán buôn, bán lẻ. Lợi ích của chủ tạp hóa phải tương xứng với phần bán buôn và sản xuất. "Đừng ai hy vọng lợi ích của mình thật nhiều, còn mặc kệ đối tác là không ổn. Có như vậy mới có thể tạo ra kinh tế chia sẻ giữa các thành phần tham gia chuỗi từ sản xuất tới tiêu dùng", ông Thịnh nhấn mạnh.
Đặc biệt, bản thân từng hiệu tạp hóa cũng phải tự mình đổi mới, cải tiến phương thức phục vụ, sắp đặt hàng hóa. "Chúng ta đã biết buôn bán hàng tiêu dùng, vị trí cửa hàng là rất quan trọng. Đồng thời, sắp xếp quầy kệ hàng hóa phải bắt mắt, tạo điểm nhấn mới hấp dẫn người tiêu dùng", ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng trước sức ép của hãng bán lẻ nước ngoài, cửa hàng tạp hóa có tồn tại hay không phụ thuộc vào chính bản thân các chủ cửa hàng, các tiểu thương.
Nhiều khi sức ép nước ngoài chỉ 30%, 70% còn lại là sức đề kháng của các cửa hàng. Điều quan trọng nhất là các cửa hàng này phải xem khách hàng là thượng đế khi phục vụ. Nếu cứ "đốt hương giải vía" rồi chửi mắng khách, bán hàng rởm thì chắc chắn sẽ bị tẩy chay.
Không chỉ các cửa hàng bán lẻ phải thay đổi, mà chính các DN bán lẻ cũng cần tính rõ bước đi cho mình. Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết sắp tới, DN này sẽ phải tái cơ cấu lại mô hình cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh mang thương hiệu Hapromart, Haprofood. Trong đó, chủ trương là tạo thêm nhiều tiện ích và tăng cường đưa hàng Việt chất lượng cao vào hệ thống.
Ông Vượng tiết lộ nếu có cơ hội tốt, Hapro sẽ liên doanh với một số tập đoàn nước ngoài để có thêm nguồn lực mở rộng và nâng cao sức cạnh tranh của DN. Tuy nhiên, việc hợp tác với khối ngoại là dự định, còn tái cơ cấu hệ thống cửa hàng tiện lợi là chắc chắn.
Cùng với đó, các DN bán lẻ nội đang tìm mọi cách để phát triển hệ thống phân phối như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra): 170 cửa hàng tiện ích; Saigon Co.op: trên 200 cửa hàng. Đặc biệt, tuy mới gia nhập thị trường 3 năm, nhưng đến nay Vinmart+ có hơn 1.000 cửa hàng…
Lê Thúy
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu mua bán với tiêu chí nhanh và nhanh hơn. Tốc độ và sự tiện lợi sẽ là hai yếu tố cốt lõi xác định chất lượng của trải nghiệm mua sắm hàng đầu. Do vậy, các cửa hàng tạp hóa cũng cần phải thay đổi theo hướng này. Ts. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính Các cửa hàng tạp hóa cần nhanh chóng thay đổi phương thức thanh toán, thay vì dùng tiền mặt, có thể kết hợp thanh toán giao dịch bằng thẻ, thanh toán trên các thiết bị di động (QR Pay, QR Code) để nhắm tới đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Để triển khai hiệu quả, các hiệu tạp hóa này đang rất cần sự phối hợp, giúp đỡ của các ngân hàng. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Một trong những hướng mà các DN, chủ cửa hàng tạp hóa cần áp dụng khi mở cửa hàng là phải bám sát khu dân cư hoặc phát triển hệ thống cửa hàng tại thị trường nông thôn để tạo ra đối trọng với hệ thống bán lẻ nước ngoài. |