Là một địa phương vốn nổi tiếng thu hút mạnh dòng vốn FDI, thế nhưng trước tác động của dịch Covid-19, tình hình thu hút vốn FDI trong quý I/2020 của tỉnh Bình Dương chỉ đạt 293,5 triệu USD, bằng 54% cùng kỳ năm trước.
Vốn ngoại sụt giảm
Ngoài ra, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, tổng doanh thu gồm phần tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) FDI trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý I ước chỉ đạt 3,299 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2019.
Việc giảm doanh thu được cho là vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các DN FDI đã nhanh nhạy trong việc mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu trong dịp đầu tháng 3/2020 nên doanh thu chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Còn tại tỉnh Đồng Nai - vốn tập trung rất nhiều DN FDI, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh này, tổng doanh thu của khối FDI trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý I ước đạt hơn 5 tỷ USD, giảm gần 100 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu tiêu thụ nội địa đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu được gần 3,1 tỷ USD, giảm khoảng 1%.
Dòng vốn ngoại vào các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai trong 3 tháng đầu năm nay cũng chỉ đạt khoảng 221 triệu USD. Các DN FDI đăng ký đầu tư mới, mở rộng đầu tư trên nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, số lượng DN sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khá nhiều, với hơn 50%.
Còn ở Tp.HCM, thu hút vốn FDI trong quý I/2020 được ghi nhận vào khoảng 1 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 290 dự án cấp mới với vốn đăng ký đạt 142,5 triệu USD, số dự án tăng 14,2% và vốn giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước.
Việc gián đoạn về nguồn cung vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp không là ngoại lệ với các DN FDI ở Tp.HCM. Và để đối phó với nguồn cung nguyên vật liệu thiếu hụt, theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Tp.HCM, nhiều công ty như Nidec Việt Nam, Jabil Việt Nam, Samsung... đã được công ty mẹ (tập đoàn) điều phối nguồn nguyên liệu từ các nhà máy ở các nước khác về để ổn định sản xuất.
Điểm tích cực đáng ghi nhận là nguồn nguyên liệu trong nước cũng đã được các công ty này tăng cường sử dụng hoặc có kế hoạch sử dụng tới tỷ lệ tới 50% so với trước đây chỉ khoảng 28%.
Kết quả mới nhất của Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, đại dịch Covid-19 đã và đang có tác động tiêu cực đáng kể đối với cộng đồng DN châu Âu.
Theo đó, Chỉ số BCI của EuroCham đã giảm xuống mức thấp nhất với 26% trong quý đầu tiên của năm 2020, tương đương mức giảm 51 điểm từ 77% được ghi nhận vào cuối năm 2019.
Các DN FDI mong sớm vượt qua “cơn bão” Covid-19 |
Biện pháp mạnh, “vượt bão” sớm
Kết quả này trực tiếp phản ánh tác động của đại dịch Covid-19: Hơn 90% các lãnh đạo DN nói rằng Covid-19 đã có tác động tiêu cực đến DN của họ, với hơn một nửa báo cáo tác động tiêu cực là “đáng kể”.
Nhận xét về kết quả khảo sát này, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho biết: Dữ liệu cho thấy dịch Covid-19 có ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nicolas Audier, cần nhớ rằng đây là một đại dịch toàn cầu và các DN trên toàn thế giới đang phải hứng chịu những tác động của cuộc khủng hoảng này. Nếu không có những hành động nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ Việt Nam, chắc chắn tình hình tại đây sẽ trở nên tồi tệ.
Vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại, theo EuroCham, DN châu Âu hết sức hoan nghênh các biện pháp được đưa ra tại Việt Nam, những biện pháp đó sẽ giúp cung cấp một huyết mạch cho các công ty và công nhân của họ vượt qua thời gian khó khăn này.
So sánh với các chỉ số trung bình được đánh giá bởi các DN và nhà đầu tư Đức tại Đông Nam Á, các chỉ số của Việt Nam đều cao hơn và cho thấy sự lạc quan của DN Đức vào tình hình phát triển của chính DN mình tại Việt Nam. Các DN Đức cũng kỳ vọng việc Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện các gói cứu trợ để giải cứu DN vượt qua cuộc khủng hoảng về dịch bệnh sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng được phục hồi và tăng trưởng. |
Ngoài ra, gần 80% DN châu Âu được khảo sát cho rằng việc kinh doanh của họ đã phải chịu chi phí cao hơn do các biện pháp nhằm bảo vệ công nhân và ngăn chặn sự lây lan của virus được thực hiện.
Có tới 4/5 lãnh đạo DN được hỏi tự tin rằng họ sẽ có thể giữ lại ít nhất 70% số lượng lao động trong quý tiếp theo. Trong khi đó, 80% DN đã yêu cầu nhân viên của họ làm việc tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Các nhà đầu tư ngoại bày tỏ sự hoan nghênh các biện pháp của Chính phủ, trong đó có Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trước dịch Covid-19.
Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là biện pháp phổ biến nhất, tiếp đến là tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội. EuroCham cũng đưa ra câu hỏi khảo sát về những biện pháp nào có thể được thực hiện nhằm hỗ trợ DN.
Kết quả là khoảng 3/4 DN cho biết việc gia hạn nộp các loại thuế khác như thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các công ty.
Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho rằng cần tiếp tục sớm đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ cả DN nội địa và DN nước ngoài cùng vượt qua “cơn bão” này và trở lại hoạt động kinh doanh càng sớm càng tốt.
Theo các chuyên gia, thời điểm này là lúc Chính phủ Việt Nam xây dựng các chính sách để có thể giữ chân, giúp các DN FDI vượt qua khó khăn. Một khi các nhà đầu tư FDI cảm thấy những chỉ dấu hỗ trợ chân thành từ Chính phủ Việt Nam để đối phó với khủng hoảng hiện tại, họ chắc chắn sẽ quay lại với những khoản đầu tư lớn hơn khi tình hình trở lại bình thường. |
Thế Vinh