Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cho Bộ Công Thương và ngành điện liên quan đến thiếu điện, hàng chục dự án điện tái tạo đang nằm chờ với công suất hơn 4.600MW không được đấu lưới. Trong khi Việt Nam đang thiếu điện, phải mua điện từ Trung Quốc, Lào… Đáng chú ý, nhiều đại biểu cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, rà soát chi tiêu, đời sống của lãnh đạo ngành điện trong bối cảnh thua lỗ như vậy…
Cử tri băn khoăn về năng lực quản lý của EVN
Cụ thể, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nêu quan điểm sản xuất điện phải đi trước nhưng vì vướng mắc, nên rất nhiều dự án điện mặt trời, điện gió không được đấu lưới. "Chúng ta có cơ hội, thừa điện tái tạo nhưng lại có những doanh nghiệp đóng cửa, không hoà mạng lưới được, ai chịu trách nhiệm?".
Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi nguyên nhân khoản lỗ của EVN là từ đâu, có phải từ năng lực quản lý hay không? |
Ông Vân nêu vấn đề của ngành điện: "Trước thông tin phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào, tôi thử hỏi chúng ta có buồn không? Tại sao vậy? Giá thành của họ giảm mà tại sao chúng ta lại không giảm giá điện? Chúng ta xác định Việt Nam là cường quốc điện gió do thiên nhiên ưu đãi, nhưng vì sao phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc?
Đáng chú ý, đại biểu Lê Thanh Vân còn đặt câu hỏi: “Tại sao EVN lỗ triền miên, mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng như vậy? Phải rà soát xem EVN lỗ lớn như vậy thì đời sống của lãnh đạo ngành điện ra làm sao?
Trong khi đó, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) phản ánh, từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện. Theo đó, giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,4,44 đồng/kWh (vào năm 2019); đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.
"Cử tri cho rằng cùng một hệ sinh thái, nhưng công ty mẹ (EVN) báo lỗ, còn các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao. Thế thì nguyên nhân khoản lỗ của EVN là từ đâu, nguyên nhân có phải từ năng lực quản lý hay không?”, Đại biểu Yên phản ánh.
Nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? “Nếu nói rằng giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con của EVN cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau”, Đại biểu Yên nêu quan điểm.
Cùng băn khoăn, ông Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trực tiếp tham dự nhiều cuộc họp, trong tổng 100% sản lượng phát lên lưới, nguồn điện từ EVN chỉ chiếm tỷ lệ nhất định (khoảng 11%), còn lại là nguồn điện phát từ các công ty, doanh nghiệp khác ngoài EVN.
Cơ chế giá điện còn bất cập
“Tại sao tiền mua điện của các đơn vị này không tăng mà giá bán ra của EVN tăng rồi, tại sao lại lỗ? Tại sao những DN này kinh doanh lãi, còn EVN lỗ? Cần làm rõ nguyên nhân lỗ của EVN trong năm ngoái”, ông Minh đề nghị.
Các đại biểu cho rằng, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, tìm ra phương án tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng. "Có thể tìm nguồn nhiên liệu rẻ, sạch hơn để giảm giá thành sản xuất. Trong đó, cần có cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, dự án năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện", Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị.
Liên quan đến vấn đề giá điện, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết một số ý kiến cho rằng việc tăng giá điện của EVN khiến tăng chi phí đầu vào của các DN sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm.
Thực tế, tăng giá điện đang khiến nhiều DN rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất. Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho hay, các DN nhôm đang duy trì công suất khoảng 50% do đơn hàng sụt giảm mạnh, kéo theo đó lực lượng lao động trong ngành giảm 40.000 người trong những tháng đầu năm.
Vừa qua, giá điện tăng là vấn đề lớn của ngành nhôm vì đa phần các DN đều phải sử dụng để gia công sản phẩm. Ước tính sản xuất 1.000 tấn nhôm phải hết 2 tỷ đồng tiền điện. Do vậy, “giá điện tăng 3% chắc chắn sẽ đội chi phí sản xuất của DN, khiến DN khốn khó hơn”, ông Kế mong muốn giá điện giữ ổn định, không tăng trong lần điều chỉnh tiếp theo để DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Quay trở lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các DN đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đây là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều không thấy thoải mái. "Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện", báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu.
Theo nhiều chuyên gia, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của EVN rất cần thiết, "dù muộn" nhưng khi làm được điều này "việc tăng giá điện sẽ tránh được sự hoài nghi của cử tri". Giá điện cần phải được tính đúng, tính đủ và phải công khai - minh bạch.
Nhật Linh