Thông tin mới hé lộ về việc thua lỗ của tập đoàn bán lẻ Lotte Mart của Hàn Quốc tại Việt Nam khiến dư luận không khỏi bất ngờ khi sau mười năm kinh doanh tại Việt Nam, số lỗ lũy kế của Lotte vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu của tập đoàn này tại Việt Nam vẫn ổn định ở mức 30 – 50% mỗi năm, kể từ năm 2009 đến nay, với mức tăng 1.000 tỷ đồng/năm.
Lỗ hổng chuyển giá
Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu của tập đoàn này tại Việt Nam vẫn ổn định ở mức 30-50% mỗi năm kể từ năm 2009 đến nay với mức tăng 1.000 tỷ đồng/năm.
Năm 2016, doanh thu của Lotte tại Việt Nam đã vượt mức 5.100 tỷ đồng, Lotte thậm chí lên kế hoạch mở rộng hoạt động bán lẻ tại Việt Nam thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nhằm phủ sóng 60 trung tâm mua sắm khắp cả nước đến năm 2020.
Trong khi đó, theo báo cáo mới đây từ Ban Quản lý các khu chế xuất (KCX) – khu công nghiệp (KCN) Tp.HCM (HEPZA), tình trạng không ít doanh nghiệp (DN) FDI tại Tp.HCM báo cáo kinh doanh lỗ trong nhiều năm, thậm chí lỗ vượt vốn điều lệ tương đối lớn.
Chỉ tính trong ba năm gần đây, theo HEPZA, tỷ lệ DN FDI ở Tp.HCM kê khai lỗ chiếm khoảng 31,4%, trong đó, DN có số lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ chiếm khoảng 15,8%. Song ngạc nhiên là các DN này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Như lưu ý của cơ quan thuế, tình trạng báo cáo kinh doanh thua lỗ của các DN FDI thường tập trung trong lĩnh vực gia công may mặc, da giày, công nghiệp chế biến…
Báo cáo cũng cho thấy những dấu hiệu để nhận biết các DN FDI có hành vi chuyển giá tại Tp.HCM. Nhất là khi tới 90% DN FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc có kết quả kinh doanh thua lỗ, trong khi hầu hết DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi.
Theo Cục Thuế Tp.HCM, trong năm 2017, Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng được giao chỉ tiêu thanh tra 101 hồ sơ và bổ sung kiểm tra 49 hồ sơ với số thuế truy thu và phạt là 140 tỷ đồng. Kết quả trong quý I/2017 đã hoàn thành 15 hồ sơ thanh tra với tổng số thuế truy thu, truy hoàn và phạt gần 25,3 tỷ đồng, trong đó truy thu hơn 15,6 tỷ đồng.
Ông Phan Hùng Hưng, cán bộ Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng (Cục Thuế Tp.HCM) cho biết, cuộc chiến chống chuyển giá tại Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức, nguyên nhân chính vẫn là khuôn khổ pháp lý chống chuyển giá chưa hoàn thiện, Luật Chống chuyển giá chưa hình thành, ngành thuế chưa có chức năng điều tra DN.
Ngoài ra, các cơ quan bộ, ngành chưa có phương pháp phối hợp, điều tra và xử lý hiệu quả nên đã vô tình tạo ra “lỗ hổng” về pháp lý, từ đó các DN FDI hoạt động chuyển giá ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện và không dễ xử lý.
Các chuyên gia nhận định, do yếu tố cơ sở dữ liệu, liên thông dữ liệu, thông tin về DN FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam chưa được hệ thống, chưa phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ để theo dõi, kiểm soát hoạt động chuyển giá của các DN FDI.
![]() |
Các nước phát triển bị thất thu 100 tỷ USD/năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia
Cách trám lỗ hổng
Để ngăn ngừa tình trạng chuyển giá, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại Tp.HCM khuyến nghị, cần tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá, thu hẹp và hạn chế tối đa ưu đãi về thuế giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời cần hoàn thiện thông tin, dữ liệu và liên thông dữ liệu về cá nhân, DN FDI nộp thuế để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chống chuyển giá giữa các cơ quan chức năng.
Được biết, để bịt các kẽ hở chuyển giá, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017.
Nghị định 20 được cho là không những “điểm trúng huyệt” nhiều DN FDI thua lỗ triền miên hàng chục năm nhưng luôn đầu tư mở rộng sản xuất mà còn hướng đến quản lý thuế hiệu quả hơn trên diện rộng các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Nghị định này cũng có điểm yếu khi ảnh hưởng đến các DN nội địa vì có quy định tổng chi phí lãi vay không quá 20% tổng lợi nhuận thuần. Việc khống chế tỷ lệ chi phí đi vay ở mức 20% có thể gây khó khăn lớn cho một bộ phận DN thuộc một số ngành nghề cần đầu tư xây dựng hệ thống chuỗi lớn và rộng để chiếm lĩnh thị phần…
Trong khi đó, cuối tuần qua, tại một hội thảo diễn ra ở Hà Nội về vấn đề công bằng thuế, tổ chức Oxfam có lưu ý, các nước phát triển (trong đó có Việt Nam) bị thất thu 100 tỷ USD mỗi năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Còn theo kết quả khảo sát gần đây của công ty Kiểm toán quốc tế KPMG, hơn 50% doanh nghiệp đã chuẩn bị xây dựng các bước trên dự thảo báo cáo chống sụt giảm thu nhập chịu thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS). Trong đó, 80% doanh nghiệp ưu tiên xác định giá chuyển nhượng khi dành ít nhất 2 giờ/tuần.
Điều đáng nói, khu vực FDI đang chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và hiện đóng góp hơn 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam khiến cho đây trở thành một nguy cơ khi nền kinh tế bị phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI. Không những vậy, khối DN này đang được chính quyền các địa phương “trải thảm đỏ”, được hưởng các ưu đãi thuế và như vậy, tình trạng chuyển giá ở khu vực này rõ ràng là một tai hại cho nền kinh tế.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, bên cạnh Nghị định 20, các hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở khối FDI cần sớm hoàn thiện, đảm bảo cho cuộc chiến chống chuyển giá sớm, đem lại hiệu quả nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước và tạo được sự bình đẳng giữa các thành phần DN.
Thế Vinh