Ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc khối Dịch vụ Deloitte Private, nói rằng thời gian gần đây ông hay nghe các diễn đàn và doanh nghiệp (DN) nói về khái niệm là “bình thường mới thường xuyên”. Điều này có thể thấy rõ khi thế giới có rất nhiều biến động, từ thương chiến Mỹ – Trung, rồi đến đại dịch Covid-19, và bây giờ là xung đột Nga – Ukraine.
“Tinh thần hàng Việt” ở mức cao hơn
Chia sẻ bên lề lễ công bố và trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2022 tổ chức ở Tp.HCM ngày 29/3, ông Huỳnh nhấn mạnh cùng với độ mở của nền kinh tế, cũng như sự hội nhập sâu rộng thì DN Việt Nam bây giờ lúc nào cũng ở trong “bình thường mới thường xuyên” cùng với sự biến động của thế giới.
Trước nhiều biến động như hiện tại với “bình thường mới thường xuyên” đang đòi hỏi “tinh thần hàng Việt” của các DN Việt ở mức cao hơn. |
Còn theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Phúc Sinh, khi vừa bước ra khỏi đại dịch Covid-19 phía công ty xác định bình thường mới là phải làm việc nhiều hơn, vẫn giữ nhịp độ để cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh từ thị trường thương mại điện tử.
Tuy vậy, giữa xung đột Nga - Ukraine như hiện tại, ông Thông cho biết điều mất mát lớn là các khách hàng của công ty ở Nga và Ukraine đang là số 10 thì biến thành số 0.
Vị chủ tịch Phúc Sinh cho biết khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, có một số lô hàng cà phê, hồ tiêu của công ty đang trên đường đến hai thị trường này. Các đối tác nói rằng họ không có khả năng thanh toán nên công ty dừng lại, như tại các cảng ở Singapore, Thụy Sĩ…và bán luôn cho các khách hàng tại cảng đã dừng lại.
Theo giới phân tích, sau một giai đoạn dài, trong tình hình cả nước đã bước qua giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch và đang quen dần với việc “sống chung” cùng Covid-19, rồi đến chiến tranh Nga - Ukraine và trong một thế giới VUCA (dùng để mô tả về thế giới “đa cực”, được xác lập khi thỏa mãn 4 điều kiện: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity) khá bất định thì bức tranh cạnh tranh của các DN Việt đã có những thay đổi nhất định.
Minh chứng cho điều này có thể nhìn thấy ở việc bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao (có tổng cộng 524 DN chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao 2022 do người tiêu dùng bình chọn) với những yêu cầu đáp ứng “tinh thần hàng Việt” ở mức cao hơn.
Nhất là khi người tiêu dùng cũng khắt khe hơn, đòi hỏi các DN nội địa và hàng Việt phải tiệm cận về mặt chất lượng với hàng hóa của khu vực và thế giới. Điều này khẳng định: Tinh thần hàng Việt cần được soi chiếu trong nỗ lực vươn tới đẳng cấp quốc tế.
Không có lựa chọn thua cuộc
Như bộc bạch của bà Vưu Lệ Quyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s): Chúng tôi luôn linh hoạt thích ứng. Chẳng hạn như linh hoạt trong thời gian làm việc, trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline) linh hoạt kết hợp tùy theo diễn biến tình hình.
Không chỉ có những DN “sừng sỏ” thuộc nhóm hàng Việt chất lượng cao mới quen dần với khái niệm “bình thường mới thường xuyên” mà ngay cả những DN khởi nghiệp, DN nhỏ cũng đã khẳng định là họ đang thích ứng tốt trong chuyện này với quyết tâm cao nhất.
Ở tọa đàm khởi nghiệp với chủ đề “We Will Win - Phục hồi kinh tế sau đại dịch” trong khuôn khổ phát động cuộc thi Startup Wheel 2022 (dành cho người trẻ khởi nghiệp và các startup quốc tế có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á) được tổ chức vào hạ tuần tháng 3/2022 ở Tp.HCM, thông điệp mạnh mẽ được đưa ra, đó là: Phục hồi kinh tế sau đại dịch - hồi sức cho DN để mở kế sinh nhai cho người lao động - chúng ta không có lựa chọn thua cuộc - “We Will Win”.
Là một Micro KOL (người có tầm ảnh hưởng tác động với mức độ nhỏ) trong lĩnh vực khởi nghiệp, anh Thanh Tùng cho biết từ đầu năm 2022, khi làm ăn kinh doanh đã rút ra được kinh nghiệm là để đảm bảo doanh thu của mình thì 50% doanh thu đó phải đến từ online.
“Rất may là tôi từng học công nghệ thông tin nên có thể xoay sở được và hiện tại 70% doanh thu của tôi là từ online”, anh Tùng nói.
Dưới góc độ của một startup thành công “vượt qua cơn bão” của đại dịch, anh Minh Nhựt, Co-Founder (đồng sáng lập) Bánh Mì Má Hải cho rằng: Góc nhìn tích cực trong hai năm vừa qua chính là việc xem nó như một cơ hội để mình tinh gọn lại mọi thứ và giúp mình linh động hơn, tạo nền tảng chắc chắn hơn để quay trở lại sau đại dịch một cách mạnh mẽ nhất.
“Hai năm vừa qua cũng là thời kỳ để chúng tôi hoàn thiện quy trình sản xuất, mang lại đặc trưng riêng cho sản phẩm của mình”, anh Nhựt nói.
Ngay cả việc chuyển đổi số có vẻ rất khó để hợp với bán bánh mì, nhưng anh Nhựt cho biết điều không tưởng đó mà lại xảy ra. Thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch nếu như không bán hàng online, thì 100% doanh thu các tháng đó là bằng 0. Chuyển đổi số đã cứu vãn doanh số của Bánh mì Má Hải khi đó.
“Đội ngũ của chúng tôi đã phải thay đổi để phù hợp hơn. Nhưng không phải tất cả DN đều thành công khi chuyển đổi số. Vì vậy chủ DN phải cân nhắc về chuyển đổi số và biết được giai đoạn nào nên chuyển đổi số để mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất”, anh Nhật có lời khuyên.
Còn như ví von của bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tp.HCM, đại dịch Covid-19 như một cơn bão, nó sẽ cuốn đi những cái cây trên hành trình mà nó đi ngang qua. Những cái cây trụ lại được là những cái cây có gốc rễ chắc chắn nhất.
Thế Vinh