Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, Quốc hội đã có Nghị quyết số 52/2017/QH14 thông qua chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trước mắt, Việt Nam sẽ đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành, gồm 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 8 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Bộ Giao thông Vận tải kêu gọi đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam (Ảnh: Internet) |
Mục tiêu của dự án là cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN, WTO và hội nhập quốc tế sâu rộng. Khi dự án được đưa vào khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu về giảm thiểu ùn tắc và TNGT, phát triển KT-XH trong thời kỳ CNH-HĐH và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP sẽ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo 2 giai đoạn: sơ tuyển quốc tế và giai đoạn đấu thầu. Đến nay, hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế của toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP đã được phát hành rộng rãi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư của toàn bộ 11 dự án và đang gấp rút triển khai thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Nhật cũng cho biết, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ được đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải đã huy động 2 tư vấn giao dịch quốc tế là Deloitte và Ernst & Young hỗ trợ rà soát cấu trúc tài chính của dự án, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng...
"Các tiêu chí lựa chọn sơ tuyển nhà đầu tư đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sự công bằng, cạnh tranh và minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế", ông Nhật khẳng định.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác Công tư, việc đầu tư cao tốc Bắc Nam đã có kế hoạch rõ ràng. Nguồn vốn của Nhà nước cho giải phóng mặt bằng giao cho địa phương chịu trách nhiệm. Các tỉnh, thành đảm bảo giao mặt bằng sạch nên nhà đầu tư nên có thể yên tâm. Ngoài ra, mức phí cao tốc được đảm bảo trong khung phí và không thay đổi trong nhiều năm.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã bán ra 80 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư, với nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc..; có dự án nhận được sự quan tâm của 13 nhà đầu tư. Trong 2 tháng tới, có thể nhiều nhà đầu tư khác sẽ tham gia.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Bắc Nam, giai đoạn 2017-2020 được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên - Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Trong đó, 3 dự án đầu tư công là Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long). Còn lại là các dự án thu hút đầu tư theo hình thức PPP.
11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam có tổng mức đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng; phần vốn Nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án thành phần, hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi của các dự án.
Hành lang vận tải Bắc – Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đi qua 32 tỉnh, thành phố, kết nối trung tâm chính trị Hà Nội và trung tâm kinh tế TPHCM với 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng ĐBSCL. Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam có chiều dài khoảng 2.109 km kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hiện đã đầu tư và khai thác khoảng 600 km.
Minh Trang