Dựa vào các số liệu kết quả kinh tế xã hội 10 tháng, ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc CTCP Dữ liệu kinh tế tài chính WiGroup nhận định có một vấn đề là tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 chắc chắn vượt mục tiêu 6,5%, kỳ vọng đạt mức 7%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kết quả vượt mục tiêu chủ yếu nhờ các yếu tố ngoại lực chứ không phải từ nội lực của nền kinh tế.
“Số liệu mới công bố cho thấy, 2 chỉ số dẫn dắt cho xu hướng phát triển kinh tế Việt Nam là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đều có dấu hiệu suy yếu, cầu tiêu dùng thì suy yếu sẵn rồi. Đây là cảnh báo cho thấy sức khỏe kinh tế chúng ta đang yếu đi so với hai quý vừa qua. Có thể đây sẽ là vấn đề của năm sau”, ông Báu nhận định.
Chuyên gia nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra nhưng đang có một số dấu hiệu chậm lại ở hai "đầu tàu" là công nghiệp và xuất khẩu. |
Chung quan điểm, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, xuất khẩu năm nay tăng trưởng nhanh do dựa trên mức nền khá yếu của năm 2023. Hiện tại, thị trường thế giới đang có xu hướng hạ nhiệt. Do đó tăng trưởng xuất khẩu 2025 không thể duy trì được kết quả như năm 2024. Sẽ rất khó khăn nếu tiếp tục trông vào xuất khẩu như là một động lực chính cho tăng trưởng.
Nhìn vào các động lực trong nước, ông Hùng cho rằng cầu tiêu dùng còn yếu, chi tiêu Chính phủ bao gồm đầu tư công và chi tiêu ngân sách đều thấp hơn kế hoạch. Đây là những dư địa, có thể biến thành động lực tăng trưởng mới trong năm sau.
“Tôi cho rằng động lực tăng trưởng kinh tế thời gian tới nằm trong tay Chính phủ. Thúc đẩy mạnh mẽ chi tiêu Chính phủ có thể kích cầu nội địa gồm tiêu dùng và đầu tư tư nhân tăng lên", vị chuyên gia kết luận động lực tăng trưởng chính trong thời gian tới sẽ đến từ "đòn bẩy" đầu tư và chi tiêu công.
Đó cũng là quan điểm của ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương: “Hy vọng năm 2025 tiền đầu tư công đẩy ra nhanh, giảm bớt lượng tiền trong kho bạc nhà nước. Từ đó tiền ra thị trường nhiều hơn, thị trường vốn sẽ huy động được dễ dàng hơn, giảm áp lực lãi suất, từ đó đầu tư tư nhân sẽ tăng lên”.
Cũng nhận định về động lực tăng trưởng cho năm 2025, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất phát từ trong và ngoài nước: “Xét về bối cảnh chung thì tôi cho rằng năm nay và năm tiếp theo có nhiều cơ hội. Về kinh tế thế giới các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan và nâng mức dự báo. Trong nước, thực lực nền kinh tế cũng đã được cải thiện rất nhiều, không chỉ thực lực về tài chính mà cả về quản trị điều hành”.
Về các vấn đề nội tại của nền kinh tế, ông Hiếu cho rằng một số quyết sách về cải cách thể chế, các dự án đầu tư mới sẽ mở ra nhiều cơ hội. Đơn cử như dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất hay dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
“Tôi rất nhất trí với chủ trương đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dự án này chúng ta không kỳ vọng nhiều vào hiệu quả tài chính, trên thế giới chỉ có 4 tuyến đường sắt có hiệu quả tài chính thôi. Chúng tôi kỳ vọng vào hiệu quả tác động, lan toả đến các khía cạnh kinh tế xã hội, kỳ vọng đây như là một động lực tạo ra không gian kinh tế mới, bố trí lại khu vực dân cư…”, ông Hiếu nói.
Ngoài ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề cập đến triển vọng tích cực về kinh tế đối ngoại của Việt Nam, nhận định ngoại giao kinh tế đang phát huy hiệu quả tốt, mở ra nhiều cơ hội mới trong giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư.
Đỗ Kiều