Kết quả khảo sát mới công bố của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy tỷ lệ cung ứng từ DN nội địa trong năm 2015 mới chỉ đạt 13,2%, riêng các DN ở khu vực phía Nam thì đạt tỷ lệ 17,1%.
Kết nối cung cầu
Cũng theo JETRO, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong năm 2015 là 32,1%. Tỷ lệ này tuy cao hơn Phillipines (26,2%), nhưng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (65%), Thái Lan (56%), Indonesia (41%).
Còn theo thống kê từ Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp.HCM (HEPZA), hiện 17 KCX-KCN của Tp.HCM đã thu hút được 1.387 dự án với tổng vốn đầu tư thu hút được là 9 tỷ USD.
Trong đó, riêng Nhật Bản là quốc gia đứng đầu trực tiếp về vốn đầu tư vào các KCX-KCN thành phố với hơn 119 dự án đầu tư, tổng số vốn đầu tư là 1,38 tỷ USD bao gồm các ngành nghề như cơ khí chính xác, điện – điện tử, thực phẩm…
Với các DN công nghiệp hỗ trợ nội địa, việc tìm đầu ra và được tham gia vào chuỗi cung ứng cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các tập đoàn nước ngoài, nhất là từ các tập đoàn của Nhật luôn là vấn đề quan tâm lớn.
Chính vì vậy, trong buổi kết nối DN ngành công nghiệp hỗ trợ Nhật-Việt- ASEAN diễn ra tại Tp.HCM hôm 17/3 đã thu hút hơn 300 DN nội địa tham gia.
Đây là lần đầu tiên diễn ra sự kiện kết nối giữa bên cung (là các DN công nghệ hỗ trợ nội địa và Nhật Bản tại Tp.HCM) với bên cầu là các tập đoàn lớn từ Nhật, các nước ASEAN, thông qua sự nỗ lực rất lớn từ JETRO, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp.HCM (HEPZA) cùng Sở Công Thương Tp.HCM.
Việc kết nối cung cầu lần này thuộc các lĩnh vực điện-điện tử, khuôn mẫu, ép phun, gia công cơ khí, gia công kim loại, gia công đúc nhựa, gia công đúc cao su, xử lý nhiệt-bề mặt…
Trong danh sách DN thu mua, ngoài các tập đoàn lớn của Nhật có rất nhiều thương hiệu lớn là DN FDI và các tập đoàn trong khu vực bao gồm: Canon Hitech (Thái Lan), Denso Manufacturing Vietnam, IHI Asia Pacific, Juki (Việt Nam), Meiwa Vietnam, Mitsubishi Electric Asia, NEC Platforms Thai, Panasonic Vietnam, Sanshin Chemical Industry Vietnam, Sensho Industry Vietnam, SHARP Corporation, SONY Emcs (Malaysia)…
![]() |
Việc kết nối cung cầu trong sản xuất công nghiệp hỗ trợ rất cần thiết cho DNnội
Hai bên cần hiểu nhau
Trao đổi với PV Thời báo Kinh Doanh, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ hỗ trợ Tp.HCM, cho rằng thông qua các hoạt động kết nối, sẽ giúp các DN, công nghiệp hỗ trợ tại Tp.HCM nâng cao được tỷ lệ cung ứng nội địa, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bà Oanh, DN nội có lợi thế lớn khi tham gia cung ứng là kỹ năng làm việc cùng chất lượng sản phẩm, khả năng đầu tư máy móc hiện đại nhất hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ phía đối tác.
Tuy nhiên, bà Lê Nguyễn Duy Oanh cũng nêu rõ những khó khăn mà các DN nội dễ mắc phải là khoảng cách chênh lệch với đối tác, chưa đảm đương nổi các đơn hàng lớn do quy mô DN còn nhỏ, hệ thống quản trị sản xuất chưa hiện đại.
Theo quan sát của giới chuyên gia, những kết nối cung – cầu như thế này vẫn phụ thuộc vào cả hai phía, bên bán và bên mua. Thứ nhất là sự rõ ràng trong những yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài khi mua hàng về chất lượng sản phẩm và những tiêu chuẩn đặt ra.
Về phía bên bán là các DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, giới chuyên gia lưu ý bên cạnh việc nâng cao năng lực cần cố gắng theo đuổi những cuộc gặp gỡ hết sức hữu ích này và nên liên lạc thường xuyên với phía đối tác.
Trong một hội nghị gần đây của ngành Công thương Tp.HCM, chia sẻ kinh nghiệm cung ứng chuỗi sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn nước ngoài và các DN FDI, ông Lê Tuấn Anh, Tổng giám đốc công ty Cát Thái cho rằng để giành được hợp đồng với những tập đoàn lớn, như Tập đoàn Konica (Nhật Bản) thì cần thời gian tiếp xúc đủ lâu dài để hai bên hiểu nhau và có đường hướng phát triển chung cũng như chiến lược kinh doanh phù hợp.
Cũng theo ông Lê Tuấn Anh, song song với việc đàm phán ký kết các điều khoản về giá cả, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán là nhiều đợt viếng thăm kiểm tra, đánh giá quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, hệ thống công ty của lần lượt các bộ phận và lãnh đạo tập đoàn.
Có thể thấy, việc tổ chức kết nối cung – cầu giữa các DN công nghiệp hỗ trợ nội địa với các tập đoàn nước ngoài như hiện nay là điều hết sức cần thiết và cần phải làm thường xuyên.
Nói như bà Lê Nguyễn Duy Oanh, để mời được các tập đoàn lớn của nước ngoài đến Việt Nam mua hàng của các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp tốt với các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Tp.HCM, chẳng hạn như JETRO, Eurocham, Amcham…
Thế Vinh