Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nêu nhận định này tại Hội thảo Lành mạnh hoá thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, do Chính phủ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 17/12.
Bất cập tích tụ của nền kinh tế đang bộc lộ
Theo ông Hà, năm 2022 là năm mà kinh tế thế giới và trong nước khó khăn hơn rất nhiều so với đánh giá, dự báo tại thời điểm cuối năm 2021.
“Ở thời điểm cuối năm 2021, không tổ chức, cá nhân nào có thể dự báo rằng lạm phát lại tăng nhanh đến như vậy, trở thành xu hướng lan rộng trên toàn cầu, chạm mốc cao nhất trong vòng 40 năm tại một số nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, châu Âu”, ông Hà nêu.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phát biểu tại sự kiện |
Cũng theo ông Hà, xu hướng thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mặc dù đã được dự đoán từ trước, nhưng tần suất và mức độ thì cũng không thể dự báo. Các điều kiện thị trường trên toàn cầu biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD tăng giá mạnh nhất trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu.
Diễn biến thực tế cho thấy, bối cảnh tài chính thắt chặt, cùng với những biến động mạnh của thị trường tài chính thế giới tạo ra những áp lực lớn lên tỷ giá, lãi suất các đồng tiền, đặc biệt là các nền kinh tế nhỏ có độ mở lớn như Việt Nam.
Ông Hà nói: “Trong tình thế khó khăn, những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ và chúng ta đã thấy điều đó thông qua diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian gần đây”, Phó Thống đốc nói.
Chia sẻ thêm thông tin tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đã đưa ra bức tranh chung của thị trường tài chính, trong đó nhấn mạnh đặc biệt đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.
Ông cho rằng, thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển tương đối đầy đủ với 3 khu vực chính là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Quy mô thị trường tài chính Việt Nam tính theo thông lệ quốc tế đến hết tháng 9/2022 tương đương khoảng 295% GDP năm 2022; trong đó, hệ thống ngân hàng (tính bằng tổng tài sản các tổ chức tín dụng ngân hàng và phi ngân hàng) giữ vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 64,7% quy mô tài sản hệ thống tài chính.
Trong khi đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu sau thời gian điều chỉnh đã giảm xuống 22,1% so với mức 28,5% của năm 2021; dư nợ thị trường trái phiếu chiếm 12,5% và doanh thu phí bảo hiểm chiếm 0,7% quy mô hệ thống tài chính Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 30/11/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.048,42 điểm, giảm 30% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 208,79 điểm, giảm 56% so với cuối năm trước. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM ngày 30/11/2022 ước đạt 5.383 nghìn tỷ đồng, giảm 30,7% so với cuối năm 2021, tương đương 63,5% GDP.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), khối lượng phát hành có xu hướng giảm trong thời gian qua. Tính đến ngày 25/11/2022, khối lượng phát hành TPDN là 331.811 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.
Đối với thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
Nhanh chóng cải cách thị chứng khoán, TPDN, bất động sản
Theo đại diện NHNN, những biến động vừa qua tại các thị trường cho thấy chúng ta cần tiếp tục đi sâu hơn vào câu chuyện cải cách các thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, TPDN, bất động sản. Có thể thấy đây là những thị trường có sự liên hệ mật thiết với nhau bởi tính chất và đặc thù nguồn vốn trung dài hạn.
“Phát triển lành mạnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu sẽ tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản. Ngành bất động sản tăng trưởng lành mạnh không chỉ có lợi cho ngành mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế qua nhiều ngành nghề khác nhau, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lớn lao động, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đảm bảo nơi ăn, chỗ ở cho người dân", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phân tích.
"Nói tóm lại, sự phát triển bền vững của các thị trường này sẽ hỗ trợ động lực phát triển trung, dài hạn của nền kinh tế, củng cố vững chắc nền tảng vĩ mô ổn định đã được thiết lập trong những năm qua”, ông Hà nhấn mạnh.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ đang triển khai các giải pháp, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, trong đó tập trung phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.
Cũng tại Hội thảo, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra một loạt các giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Ủy ban cho biết đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin của thị trường.
Về công tác giám sát, thanh tra trên thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó coi trọng tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán là cần thiết nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.
Ủy ban cũng cho biết đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN chào bán riêng lẻ nhằm phát triển thị trường giao dịch TPDN thứ cấp minh bạch, an toàn; tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong khi đó, dưới góc độ chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực đề xuất Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cố phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục hạn chế hiện tại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thanh Hoa