![]() |
Hơn 2/3 lao động Việt Nam được đào tạo gắn bó lâu dài với doanh nghiệp
Điều đó được ghi nhận trong báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 16.4. Nghiên cứu của VCCI cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ giữ chân lao động được ghi nhận cao nhất ở các ngành đòi hỏi kỹ năng cao nhất. Các doanh nghiệp tài chính giữ chân được 77% số lao động mà họ đào tạo. Con số này là 75% đối với doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô xe máy và 73% đối với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị máy tính.
"Vì vậy, các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư vào đào tạo kỹ năng cho người lao động mà không phải quá lo sợ về việc để mất những lao động được đào tạo về tay các đối thủ cạnh tranh", VCCI cho biết.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một thực tế là cung lao động có tay nghề cao ở Việt Nam chưa đáp ứng được cầu của thị trường.
Theo đó, từ năm 2010 đến năm 2014, các doanh nghiệp FDI đã phải đào tạo thêm đến 20% - 35% số lao động mới tuyển dụng, chiếm khoảng 3,6 - 7,8% chi phí kinh doanh.
Dù khoảng cách giữa trình độ tay nghề và nhu cầu doanh nghiệp đã giảm dần trong giai đoạn 2010-2013, nhưng năm 2014 là một năm đáng chú ý khi tỷ lệ nhân viên mới có kỹ năng kém và chi phí đào tạo gia tăng trở lại mức năm 2010.
Quan trọng hơn, khoảng cách chênh lệch về kỹ năng và nhu cầu dường như tương quan với chất lượng đào tạo nghề yếu kém, khi sử dụng các thước đo khác nhau về kỹ năng và đào tạo.
Thành An