Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: hàng dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%...
Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực ‘lao dốc’
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, xuất khẩu của TP.HCM gặp khó do tổng cầu thế giới giảm, số lượng đơn hàng giảm mạnh ở một số ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ… Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp qua một số cửa khẩu giảm 22,4% so với cùng kỳ.
Bộ Công Thương đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393 - 394 tỷ USD. |
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp giảm 1,2%; giảm 1,6% đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng năm 2023 tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước (là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011- 2023), đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng chỉ 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Các ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực của quốc gia như cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da – giày, sản xuất kim loại… đều suy giảm đáng kể cả về chỉ số sản xuất, sản lượng sản xuất lẫn kim ngạch xuất khẩu.
Lý giải nguyên nhân sản xuất công nghiệp nửa đầu năm 2023 đạt kết quả chưa như mong muốn, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho rằng: Chủ yếu nền sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, xu thế thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như EU, Mỹ, từ đó ảnh hưởng mạnh đến đơn hàng của các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nguyên nhân khiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh là do từ quý III/2022, lạm phát tăng cao, thậm chỉ đạt đỉnh lịch sử nhiều năm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của chúng ta như Hoa Kỳ, EU...
“Có thể thấy các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đang đối mặt với khó khăn chồng khó khăn, trong đó việc không có đơn hàng dẫn tới phải cắt giảm công suất, thậm chí là dừng sản xuất”, ông Trần Duy Đông chia sẻ các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU... như mặt hàng dệt may, da giày, gỗ, thủy sản đều sụt giảm rất mạnh.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chỉ ra chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, dẫn tới giá hàng xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm do cạnh tranh lớn ở các nước xuất khẩu. Thêm vào đó, các nước nhập khẩu đặt ra yêu cầu về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên trong bối cảnh đơn hàng dệt may, da giày sụt giảm, các khách hàng ưu tiên đặt hàng từ các nước sản xuất đã đầu tư phát triển sản xuất xanh và bền vững.
Cần thêm ‘phao’ hỗ trợ xuất khẩu
Để lấy lại đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu kiến nghị thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, trong đó tập trung vào việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín.
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT đàm phán với các nước, nhất là Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới...
Về phía Bộ NN&PTNT, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) đề cập những tồn tại, hạn chế trong công tác xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại mở cửa thị trường.
Ông Lê Thanh Hòa dẫn chứng: “Vừa rồi, khi chúng ta mở cửa được thị trường cho trái sầu riêng, nhưng đến mùa vụ vải thiều, chúng ta ưu tiên cho quả vải quá khiến sầu riêng phải nằm chờ 5 - 7 ngày tại biên giới mới có thể thông quan được. Trong khi đó, giá trị của trái sầu riêng cao hơn nhiều so với trái vải, cứ chờ thông quan vải xong mới thông quan sầu riêng dẫn đến hư hỏng”.
Do đó, ông Lê Thanh Hòa cho rằng, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần làm việc và tác động với Hải quan Trung Quốc để có cơ chế linh hoạt hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhiều ngành hàng, nhiều địa phương. Ngoài ra, để tăng sự cạnh tranh cho nông sản thì cần hạ giá thành, do đó việc phối hợp giữa 2 Bộ trong triển khai Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 là vấn đề hết sức quan trọng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Theo đó, để vượt qua các khó khăn, thách thức, các cơ quan chức năng trong Bộ cần tập trung giải quyết các vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (như kiến nghị của các địa phương với các Đoàn công tác của Chính phủ) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tốt các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng thời, cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại, giúp cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp, khai thác có hiệu quả các FTA mà nước ta làm thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có nhiều tiềm năng; đồng thời chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Thy Lê