Tại Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với lĩnh vực xuất khẩu, phân phối và sản xuất trên địa bàn Thành phố Hà Nội" diễn ra ngày 20/10, Ts. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: "Tác động tổng thể của hội nhập đối với nền kinh tế Việt Nam là rất tích cực, song đối với DN, ngành hàng, lợi ích cũng không tự đến. Ngay đối với những ngành hàng được xem là có lợi thế khi hội nhập cũng có thể vấp phải không ít rào cản".
Lợi ích không tự có
Với TPP, dệt may được đánh giá là hưởng lợi nhưng phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ (một tỷ lệ đầu vào kể từ sợi phải là từ các nước thành viên TPP), được áp thuế suất 0% của nước thành viên nhập khẩu. Đối với hàng thủy sản, vốn thuế suất không còn là rào cản chính, song các biện pháp kiểm dịch SPS lại có thể trở nên ngặt nghèo hơn.
Đối với ngành chăn nuôi, dù được dự báo là sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực nhất khi hội nhập TPP, song nếu tận dụng được lợi thế như gà lông màu, vịt, trứng vịt, các loại có giá trị kinh tế cao như lợn mán, lợn cắp nách,… cũng như các sản phẩm chăn nuôi không sử dụng chất kích thích tăng trưởng vẫn hoàn toàn có thể sống tốt nhờ TPP.
Điều này cho thấy, lợi ích hay rào cản từ hội nhập là do chính DN quyết định. Cơ hội đôi khi trở thành thách thức, thách thức đôi khi lại trở thành cơ hội. Điều quan trọng là DN cần phải nắm bắt thông tin và thay đổi để ứng biến với cơ hội và thách thức từ hội nhập.
![]() |
Với TPP, dệt may được đánh giá là hưởng lợi nhưng phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ, được áp thuế suất 0% của nước thành viên nhập khẩu
Tuy nhiên, để thấy được lợi ích cụ thể của mình trong tiến trình hội nhập luôn là thách thức đối với nhiều DN. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết hiện nay còn nhiều DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội vẫn lúng túng trong việc thực hiện cũng như tận dụng triệt để các cơ hội cũng như các thách thức do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem lại.
Trước TPP, bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM, cho biết: "DN thiếu thông tin về TPP. Sự chuẩn bị cho TPP của DN vẫn còn rất sơ sài, thậm chí có người không hiểu TPP là gì. Trung tâm đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và mời DN đến nghe miễn phí, tuy nhiên vẫn không có nhiều DN tham gia".
Về góc độ DN, chia sẻ khó khăn, ông Lý Hoàng Nguyên, Giám đốc công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Kỹ thuật Nguyệt Nhân, thừa nhận: "DN có quan tâm đến TPP và các hiệp định thương mại tự do FTA nhưng chưa thấu đáo, mặc dù biết rằng nếu hiểu được về TPP hay FTA thì chắc chắn mỗi DN sẽ có khả năng hưởng lợi từ các hiệp định này".
Kinh doanh phải là "Nghiệp"
Ngay cả đối với thị trường trong nước, nếu không có sự chuẩn bị kỹ, các DN Việt cũng dễ dàng rơi vào thế nguy do đứng trước sức ép cạnh tranh gay gắt. Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: "Hiện nay, trước sự hội nhập sâu rộng, tổng mức bán lẻ thành phần của kinh tế nhà nước có xu hướng giảm, còn kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng lên".
Đặc biệt, hơn 10 thương hiệu của các nhà phân phối đến từ châu Âu, châu Á đã đầu tư xây dựng cơ sở và thương hiệu ở Việt Nam như: Metro Cash&Carry với 19 cơ sở, Big C 31 cơ sở, Lotter Mart 14 cơ sở…
Nhờ kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh có được từ tập đoàn mẹ, các DN phân phối FDI đủ khả năng chịu lỗ tới vài năm để tiếp tục đầu tư lập cơ sở bán lẻ mới để mở rộng mạng lưới kinh doanh với tốc độ nhanh hơn DN phân phối trong nước. Các DN sản xuất trong nước khó có thể đưa sản phẩm chen chân vào mạng lưới phân phối này do những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm…
Trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Ts. Võ Trí Thành cho rằng, với DN, điều cốt lõi là phải xem kinh doanh là cái "Nghiệp" và gắn sứ mệnh đó với học hỏi cách thức kinh doanh trong bối cảnh mới.
Quan trọng nhất, theo Ts. Thành, DN cần biết chuyển dần từ cách mạng cạnh tranh "bằng giá" sang chú trọng cạnh tranh "phi giá", tức là cạnh tranh không loại trừ việc học kết nối trong thế giới với rất nhiều mạng sản xuất, chuỗi giá trị, liên kết với công ty "đầu đàn". Tham gia chuỗi giá trị có thể tăng lợi thế nhờ quy mô, phát huy tốt hơn lợi thế so sánh, giảm phí tổn kết nối dịch vụ.
"Hội nhập vừa là cơ hội vừa là thách thức và có không ít rủi ro. Song rủi ro lớn nhất khi không hội nhập là không có sự phát triển đi cùng thời đại. Đồng thời, hội nhập mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ cho phát triển. Hội nhập phải là một bộ phận trong cải cách và chiến lược phát triển, gắn bó với tiến trình cải cách bên trong của đất nước", Ts. Thành nêu quan điểm.
Theo các chuyên gia, trước xu hướng hội nhập sâu rộng, DN cần làm 3 việc: Thứ nhất, muốn kinh doanh thành công thì cần tìm hiểu về chính sách hội nhập của Việt Nam về kinh tế quốc tế, cam kết của các nước đối tác, chính sách của từng thị trường trong các cam kết kinh tế quốc tế.
Thứ hai là DN phải thay đổi, thích ứng theo kiểu "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" – không thể giữ lề lối kinh doanh cũ theo kiểu ngày xưa. Đó là DN sản xuất theo chuỗi nhưng không chỉ làm cho các DN trong chuỗi mà DN cần chủ động vươn lên công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị để có lợi ích lớn hơn.
Thứ ba là trong quá trình thực thi chính sách, DN cần phản ánh cho bộ ngành có liên quan về những vướng mắc, bất cập của các chính sách về TPP hay FTA gặp phải. Có như thế DN mới "sống khỏe" trước sức ép cạnh tranh từ hội nhập.
Ts.Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương Thời điểm hiện nay rất cần thông tin và những trao đổi, đối thoại đầy đủ hơn, sâu sắc hơn giữa Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội. Thông tin không chỉ là về TPP, các FTA Việt Nam tham gia và hội nhập nói chung mà cả về những chính sách, cải cách hiện hành cũng như những thay đổi cần thiết trong thời gian tới. Hội nhập với nhiều FTA có những đòi hỏi cao đối với việc cải cách thay đổi các chính sách "sau đường biên giới". Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Trên quan điểm tận dụng cơ hội trong thời gian còn lại trước sức ép mở cửa hoàn toàn, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN nội phát triển nhanh hệ thống phân phối, qua đó có thể hợp tác và cạnh tranh bình đẳng với các DN FDI, cần thông qua hoạt động liên kết, sáp nhập và hợp nhất sớm hình thành một số DN phân phối mang thương hiệu Việt có khả năng cạnh tranh bình đẳng với các DN FDI. Ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương Các doanh nghiệp muốn nâng cao cạnh tranh cần phải đổi mới cơ cấu tổ chức thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp. Tiếp đó là tăng cường hoạt động giới thiệu doanh nghiệp, xây dựng chiến lược sản phẩm cho bài bản, có tầm nhìn xa hơn, có thể xây dựng nhiều mô hình phân phối. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu thị trường, hiểu người tiêu dùng cần gì, từ đó xây dựng chiến lược sản phẩm cho tốt nhằm tiếp cận không chỉ thị trường trong nước mà còn cả thị trường thế giới. |
Lê Thúy