Hội nghị thượng đỉnh Ngân hàng Châu Á là hội nghị thường niên lớn nhất khu vực quy tụ các nhà điều hành cấp cao và các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Bước vào năm thứ 17, hội nghị thượng đỉnh năm nay với chủ đề “Đột phá mới” đã quy tụ khoảng 1000 các nhà điều hành cấp cao, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, các nhà lãnh đạo và nhà cải cách từ khắp nơi trên thế giới.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo các Ngân hàng Châu Á lần thứ 17 (The Asian Banker Summit 2016).
Ông Alain Chevalier, Chủ tịch The Asian Banker Summit cho biết: “Hoạt động quản lý đào tạo lãnh đạo đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển mọi mặt của một quốc gia. Chất lượng quản lý trong các định chế tài chính. Hoạt động tài chính của Việt Nam gần đây đã có rất nhiều cải thiện, cho thấy Việt Nam là một quốc gia có năng lực tuyệt vời để huy động các định chế tài chính, quản lý thị trường, phát triển thị trường, xây dựng và phát triển các chỉ số hiệu quả. Hệ thống tài chính- ngân hàng của Việt Nam đang chứng tỏ mạnh mẽ năng lực quốc tế hóa để hội nhập với khu vực và thế giới”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Những đổi mới quyết liệt của Việt Nam trong thời gian qua phản ánh tầm nhìn dài hạn, với quyết tâm thực hiện đổi mới sáng tạo ngành ngân hàng tài chính của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thách thức, tốc độ tăng trưởng của châu Á chậm lại. Biến đổi khí hậu gây tác động tiêu cực mạnh cho khu vực. Chúng ta phải thay đổi và đổi mới sáng tạo để vượt qua thách thức, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ mở ra thị trường tự do thương mại rộng lớn với 55 quốc gia trong đó bao gồm nhóm G7. Chính phủ VN cam kết luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc”.
Đối với bất kì thể chế nào hệ thống tài chính ngân hàng luôn luôn đóng vai trò cầu nối, chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế. Trường hợp của Việt Nam khá đặc thù với hệ thống ngân hàng là kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Các thành công trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những nỗ lực trong cải cách ngân hàng đã đặt những nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế- xã hội.
Cùng với quá trình cải cách hệ thống ngân hàng, Việt Nam hiện rất tích cực với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và hoàn thành kí kết Hiệp định TPP. Trong thời gian tới đây, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng. Đặc biệt là quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong nước.
Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: “Hiệu lực và hiệu quả quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đáp ứng khá tốt những biến động, thách thức đến từ thị trường, quốc tế. Hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tái cơ cấu với quy mô lớn. Các chuẩn mực thông lệ ngân hàng ngày càng được tiếp cận với những tiêu chuẩn quốc tế”.
Ông Barney Frank, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Quốc hội Hoa Kì (năm 2007-2011), đồng tác giả đạo luật Dodd- Frank nhận định: “Các quốc gia không nên có sự kiểm soát với dòng tiền tự do trong quốc gia, đây là lỗi đã đóng góp một phần vào cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ngoài ra, các hệ thống dịch vụ tài chính ngân hàng cũng cần phải hướng sự ưu tiên vào khu vực kinh tế tư nhân”.
Phương Nguyên