Thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh so với hiện nay. Cùng với đó, lương hưu và lương tối thiểu vùng cũng sẽ được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh người lao động vẫn hồi hộp chờ đợi tăng lương theo mức mới thì giá cả hàng hóa đã rục rịch tăng.
Các mặt hàng thiết yếu đã tăng giá
Thịt lợn là một trong những mặt hàng thiết yếu song đang có xu hướng tăng giá trong thời gian gần đây khi đạt mức trung bình 70 ngàn đồng/kg. Khảo sát tại các chợ truyền thống, giá lợn hơi được tiểu thương bán từ 110 – 140 ngàn đồng/kg.
Giá thịt lợn đã tăng trước thời điểm tăng lương 1/7. |
Tháng trước, chị Loan, tiểu thương bán thịt heo tại huyện Thường Tín, Hà Nội, cho hay hàng ngày chị thường đưa thịt heo vào một chợ dân sinh bán với giá 120 ngàn đồng/kg đối với thịt ba chỉ, sườn; nay những mặt hàng này đã được chị tăng giá lên 130 ngàn đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực là động lực cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào sẽ góp phần kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, chỉ số giá trong nước chịu áp lực tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương ngày 01/7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới…
Thực tế, giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 5 tăng 1,24% và so với cùng năm trước tăng 4,44%.
Như vậy, nếu trong thời gian tới giá điện được điều chỉnh tăng chắc chắn sẽ tạo áp lực không nhỏ tới mặt bằng giá cả trong nước. Chỉ số giá điện tăng 10% làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm. Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhìn nhận lo ngại nhất trong kiểm soát lạm phát hiện nay là giá điện tăng. Điều này sẽ tác động mạnh tới tiêu dùng, tăng chi phí sản xuất, làm giá thành sản phẩm tăng. Người dân có thể bớt ăn, bớt tiêu nhưng khó bớt sử dụng điện cho các nhu cầu cơ bản của gia đình.
Trong khi đó, giá xăng dầu vẫn cao hơn so với cùng kỳ. Thống kê trong 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 31/5/2024), giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 22 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng E5RON92 có 11 lần tăng và 11 lần giảm giá, mặt hàng xăng RON95 có 12 lần tăng và 10 lần giảm giá, mặt hàng dầu diesel có 10 lần tăng và 12 lần giảm giá, mặt hàng dầu hỏa có 11 lần tăng và 11 lần giảm giá, và mặt hàng dầu mazut có 15 lần tăng và 7 lần giảm giá.
Cần đặc biệt lưu ý công tác điều hành giá trong tháng 7
Trong khi đó, dự báo giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Giá xăng dầu trong nước tăng 10%, tác động CPI 0,36 điểm phần trăm.
So với cùng thời điểm năm 2023 (kỳ điều hành ngày 22/5/2023), giá bán trên thị trường (ngày 23/5/2024) của mặt hàng xăng E5RON92 tăng 1.789 đồng/lít, tương đương tăng 8,73%; mặt hàng xăng RON95-III tăng 1.714 đồng/lít, tương đương tăng 7,97%; mặt hàng dầu diesel 0,05S tăng 1.883 đồng/lít, tương đương tăng 10,49%; mặt hàng dầu hỏa tăng 1.933 đồng/lít, tương đương tăng 10,76%, mặt hàng dầu mazut 180CST 3,5S tăng 2.355 đồng/kg, tương đương tăng 15,54%.
Chưa kể hiện nay, giá nhiều loại lương thực như gạo, trái cây… cũng có xu hướng tăng theo giá thế giới. Ông Phạm Văn Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Lolifood, cho biết, thời gian gần đây, giá nguyên vật liệu để sản xuất các loại ngũ cốc dinh dưỡng của công ty ông liên tục tăng cao, từ 5 - 10% so với trước đây.
"Việc tăng các loại nguyên liệu đầu vào này khiến việc kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu tăng giá sản phẩm thì khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi. Chính vì vậy, sau khi cân nhắc và tính toán, chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận để không tăng giá bán cho khách hàng của mình" - ông Long chia sẻ.
Để đối mặt với tình trạng nhiều nguyên liệu tăng giá, ông Long cho hay doanh nghiệp đang thực hiện biện pháp tăng số lượng sản xuất để tiền công và chi phí hao mòn giảm xuống. Nói cách khác là lấy số lượng nhiều để bù chi phí. Đồng thời, công ty có thể tìm kiếm những sản phẩm mới, với chi phí đầu vào thấp hơn, giá thành rẻ hơn, để khách hàng có thể lựa chọn những sản phẩm này.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khẳng định tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Trong bối cảnh tâm lý kỳ vọng là rất lớn khi tăng lương vào thời điểm 1/7 tới, Phó Thủ tướng đề nghị làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, "thành thói quen", làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương. Phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống…
“Cái gì chúng ta kiểm soát được thì kiểm soát chặt, cái gì thị trường quyết định thì phải theo sát để có những cơ chế phù hợp, thí dụ như xăng dầu hiện nay là phải bình ổn", nêu rõ điều này, một lần nữa Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải đặc biệt lưu ý về công tác quản lý, điều hành giá trong tháng 7 (thời điểm tăng lương) để vừa thực hiện được chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Bộ Tài chính kiểm tra tình hình giá cả tại các trung tâm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để có hướng xử lý nhanh khi có diễn biến liên quan đến lạm phát.
Thy Lê