Từ giữa năm trước, Công ty CP Quốc tế Sơn Hà - đơn vị nắm đến 75% cổ phần của Hiway Supercentre cho biết đang tính chuyện thương thảo với một vài đối tác ngoại để bán cổ phần mảng siêu thị nhằm tập trung vào kinh doanh cốt lõi.
Do đó, việc công bố đổi tên và thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới thành SapoMart ngay trong đầu năm 2015 không gây ngạc nhiên cho giới kinh doanh bán lẻ.
Bài toán tái cơ cấu
Tuy nhiên, điều gây chú ý là ngay trong buổi công bố đổi tên và thương hiệu mới, ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Hiway Việt Nam (quản lý hệ thống siêu thị SapoMart), cho biết đã “dừng” kế hoạch chuyển cổ phần cho DN nước ngoài và Tập đoàn Sơn Hà vẫn là cổ đông lớn và khẳng định rằng sẽ chuyển đổi cơ cấu hoạt động chứ không bán cổ phần cho DN nước ngoài.
Theo ông Lê Hoàng Hà, Sơn Hà sẽ thoái vốn mảng kinh doanh siêu thị để tái cơ cấu lại công ty, với số lượng cổ phần mà thương hiệu bồn nước inox này chuyển đổi sẽ chuyển nhượng cho một nhóm nhà đầu tư nội bộ thuộc Tập đoàn Sơn Hà, trong đó có Công ty CP Sản xuất Thương mại và Đầu tư Thịnh Phát.
“Thịnh Phát là công ty của Việt Nam và cũng có liên quan đến Sơn Hà, đang quản lý tòa nhà Vinaconex là nơi mà siêu thị SapoMart Quang Trung vận hành. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tính tới việc hợp nhất công ty Hiway với Vinaconex chứ không bán. Việc chuyển đổi không có tính chuyển nhượng hay bán, làm mất kiểm soát mà là tái cơ cấu lại, hợp nhất. Hiện Sơn Hà đang sở hữu 70% cổ phần của công ty thương mại Vinaconex và dù kiểm soát hay sở hữu thì Sơn Hà vẫn là cổ đông chiến lược sở hữu tòa nhà này và chúng tôi vẫn thực hiện chủ trương phát triển kinh doanh mảng siêu thị chứ không thay đổi bởi việc chuyển nhượng này”, ông Hà khẳng định.
Như vậy, sau nhiều đồn đoán về “số phận” của tân binh mới có thể rơi vào tay hãng ngoại - siêu thị Hiway Supercenter chỉ đổi tên, đổi hình chứ không đổi chủ. Mặc dù trong thông báo mới đây nhất, Tập đoàn Sơn Hà công bố thông tin về việc thoái vốn khỏi công ty liên kết, tức là chuyển nhượng 150.000 cổ phần tại công ty Hiway Việt Nam, tương đương tỷ lệ sở hữu là 15% tại Hiway, song Sơn Hà vẫn là một cổ đông chiến lược của Hiway.
![]() |
Siêu thị đầu tiên của Hiway tại Hà Đông vừa đổi tên thành Sapomart
Thực tế cho thấy, từ trước khi đưa vào vận hành chuỗi siêu thị mới SapoMart, ông Lê Hoàng Hà - 1 trong 2 thành viên chủ chốt của Tập đoàn Sơn Hà - là em trai ông Lê Vĩnh Sơn (Chủ tịch của Sơn Hà), đã đứng ra để “xốc vác” lại mảng kinh doanh siêu thị khi nắm vai trò là Chủ tịch HĐQT của Hiway Việt Nam.
Ông Hà cũng cho biết việc đổi tên và công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới của Sơn Hà không phải chỉ là sự “thay áo”, mà là sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh, với một hướng đi mới trong đó trọng tâm là hướng đến khách hàng.
Với slogan “thân quen mỗi ngày”, SapoMart cho biết không xem cạnh tranh bằng giá làm mục tiêu phát triển siêu thị, mà sẽ cạnh tranh bằng dịch vụ, thái độ và sự chăm sóc với khách hàng.
Theo vị tân chủ tịch của siêu thị này, nếu đi theo chiến lược cạnh tranh bằng giá, bắt buộc nhà kinh doanh siêu thị hoặc là phải tạo sức ép lên nhà sản xuất, hoặc là phải giảm giá và điều này đồng nghĩa với việc chất lượng dịch vụ sẽ không bảo đảm.
Do đó, với mong muốn tham gia vào sân chơi bình đẳng, cùng với chính sách kiểm soát chất lượng hàng hóa, SapoMart sẽ hướng đến việc mang đến những trải nghiệm mua sắm mới cho khách hàng.
Có đúng cam kết?
Trong bối cảnh kinh doanh siêu thị đang khá ảm đạm, khi sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, những chuyển động của thị trường bán lẻ và các DN trong thời gian qua cho thấy đây là xu hướng sự tất yếu, đặc biệt với DN chưa có nhiều kinh nghiệm thị trường và không trường vốn.
Do đó, việc tìm hướng đi kinh doanh mới như câu chuyện của OceanMart bán lại cho Vingroup và đổi tên thành VinMart, hay Hiway đổi tên thành SapoMart và tái cơ cấu lại hoạt động, là yêu cầu tất yếu mà thị trường đặt ra.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường khi có nhiều đối thủ mạnh tham gia, cùng sự suy giảm của thị trường tiêu dùng, DN phải thay đổi chiến lược kinh doanh là tất yếu.
Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của thị trường bán lẻ đã cho thấy những thay đổi mang tính chiến lược của các nhà bán lẻ cũng không phải đã mang lại “vận mệnh” mới cho DN.
Thực tế tại Hiway và nay là SapoMart, khi nhà bán lẻ này chính thức xuất hiện trên thị trường vào 3 năm trước (2012), nhiều tham vọng mở rộng chuỗi hệ thống với… vài chục siêu thị đến năm 2015 và mục tiêu vươn lên trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã được siêu thị này đặt ra.
Thế nhưng, “chật vật” suốt hơn 1 năm sau, siêu thị thứ hai mới được mở ra và ông chủ của Hiway cũng tiết lộ ý định “từ bỏ” tham vọng với mảng kinh doanh siêu thị khi thừa nhận, bán lẻ là cuộc chơi đầy thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tiêu dùng suy giảm.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, 2 siêu thị của Hiway buộc phải đóng cửa tạm thời và tái cơ cấu lại hoạt động.
Sau khi công bố thương hiệu mới cùng việc khai trương đồng loạt 3 siêu thị SapoMart Quang Trung, Giảng Võ và Tây Hồ, SapoMart tiếp tục đặt mục tiêu mở 10 siêu thị trong năm nay.
Ông Hà tiết lộ, DN này đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng này đã cam kết hỗ trợ đến 70% vốn cho cả chuỗi siêu thị sẽ được mở ra trong kế hoạch.
Với nguồn vốn đối ứng, ông Hà cho biết đây không phải là vấn đề khó khăn với Hiway bởi việc tiếp cận mặt bằng của DN này khá thuận lợi, với giá rẻ hơn, vị trí đẹp hơn và hợp đồng thuê dài hạn hơn.
Vị này dẫn chứng, nếu như các siêu thị ngoại như BigC chi ra 60 - 80 tỷ đồng để mở một siêu thị, thì chi phí mà SapoMart bỏ ra chỉ khoảng 35 - 40 tỷ đồng và đã thương thảo được với các đối tác được trả chậm tiền hàng trong 30 ngày.
Mặc dù đã thay đổi lại chiến lược kinh doanh, chú trọng nhiều hơn đến việc quản lý chất lượng hàng hoá và dịch vụ cho khách hàng, nhưng SapoMart vẫn sẽ gặp thách thức không nhỏ để gây dựng niềm tin cho khách hàng.
Ngay khi khai trương Hiway, DN này cũng cam kết về chất lượng sản phẩm và dịch vụ với khách hàng, song “vết đen” rau quả Trung Quốc lẻn vào siêu thị này được cơ quan thanh tra của Hà Nội phát hiện đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin với DN này.
Do đó, ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng nút thắt lớn nhất của các siêu thị nội hiện nay chính là việc hoàn thiện hệ thống quản lý và kiểm soát nguồn hàng, đội ngũ nhân viên và vận hành tổ chức hoạt động theo đúng cam kết.
----------------------------
Th.s Đặng Thị Thu Mai
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
75% quyết định mua hàng của khách hàng là đến từ thói quen sử dụng các sản phẩm trước đây của họ. Khách hàng thay đổi thói quen mua sắm khi sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng của các trung tâm bán lẻ không mang được trải nghiệm mới. Khi khách hàng đã chuyển sang sử dụng sản phẩm dịch vụ của đối thủ cạnh tranh thì khó có thể lôi kéo họ về với công ty, nên việc bảo đảm từng cá nhân thỏa mãn với chất lượng, dịch vụ là thách thức lớn. DN cần chú trọng đến chất lượng dịch vụ, logistics, dịch vụ chăm sóc khách hàng, nắm bắt đúng nhu cầu và tâm lý khách hàng để điều chỉnh chiến lược kinh doanh hợp lý nhất.
Cẩm An