Bài 1: Hồi hộp chờ thông 'đường cao tốc' xuất khẩu vào EU |
Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực trong nửa cuối năm 2020 được kỳ vọng mở ra một cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU trong những tháng cuối năm nay và những năm tới.
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến sẽ được Quốc hội họp về việc phê chuẩn vào ngày 20/5 - ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng?
Theo cam kết của EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực (Ảnh: Tư liệu) |
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết việc EVFTA sớm có hiệu lực sẽ là tin rất vui đối với các doanh nghiệp dệt may khi đang gặp bất lợi về thị trường xuất khẩu do tác động tiêu cực từ Covid-19. Theo Vinatex, quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu giảm 2% so với năm trước, hết tháng 4 đã giảm 6% so với 2019. Riêng kim ngạch xuất khẩu tháng 4 giảm 20% so với năm trước.
Vì vậy, đại diện cho ngành dệt may, ông Trường đề nghị các bộ, ngành chuẩn bị các hướng dẫn và thông tư nhanh nhất để khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn thì triển khai được ngay, doanh nghiệp mới thu được "lợi ích vàng".
Riêng với Vinatex, ông Trường cho biết Tập đoàn đang tập trung làm việc với các nhà cung cấp để chuyển nguồn cung ứng cả nguyên liệu vào Việt Nam đáp ứng EVFTA như Uniqlo, H&M, Zara. Làm các đơn hàng thử nghiệm, nhỏ, yêu cầu cao, cũng như tiếp tục làm mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế dự báo có thể có nhu cầu cao hết quý II. "Duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động bình thường ngay khi thị trường EU trở lại", ông Trường nói.
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep), kiến nghị thúc đẩy EVFTA có hiệu lực sớm nhất để các doanh nghiệp tranh thủ tăng cường tiêu thụ thuỷ sản ở thị trường EU rộng lớn trước các lợi thế so sánh với một số quốc gia xuất khẩu cạnh tranh.
"Các quốc gia sản xuất thủy sản cạnh tranh chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador phải phong tỏa cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu; Indonesia hay Philippines, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất (sau dịch) để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam ở thị trường EU khi chúng ta có lợi thế về cắt giảm thuế quan", ông Hòe cho biết.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giữa lúc đại dịch Covid-19 đang lan rộng, việc EVFTA có hiệu lực đang mở ra một cơ hội vàng đối với doanh nghiệp Việt Nam. EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường.
Chuẩn bị các kịch bản xuất khẩu sang EU
Tuy vậy, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những điều kiện đủ để tận dụng EVFTA. Với ngành dệt may, da giày, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu vào EU đáp ứng được quy tắc xuất xứ là rất khiêm tốn. Như dệt may, đa phần nguyên phụ liệu của ngành này vẫn đang phải nhập từ các nước ngoài khối. Hay với các mặt hàng nông thủy sản, điểm yếu vẫn nằm ở khâu đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm...
Do vậy, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), lưu ý không phải cứ có "đường cao tốc" thì tất cả doanh nghiệp phát triển được. EVFTA cũng vậy, cần có sự chuẩn bị của các ngành hàng, các doanh nghiệp, điều chỉnh cách làm ăn phù hợp với phía EU.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cho rằng "muốn xe đi nhanh trên cao tốc", doanh nghiệp phải chấp nhận gia tăng chi phí để điều chỉnh sản xuất. Các doanh nghiệp nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã không chỉ vượt qua hàng rào của cơ quan nhà nước EU mà còn giúp chinh phục khách hàng ở thị trường này.
"Đường cao tốc thế thôi nhưng thị trường có nhu cầu không lại là câu chuyện khác, đôi khi không phải hàng rẻ là người ta mua của mình, mà cái chính là doanh nghiệp phải biết thay đổi, chấp nhận thay đổi", bà Trang nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch VCCI, muốn tận dụng được thời cơ, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm, phải hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của doanh nghiệp để định vị lại mình và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra.
Về phía Nhà nước, bên cạnh việc phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp về Hiệp định, việc chuẩn bị về thể chế là quan trọng nhất. Để nâng cao năng lực thể chế chuẩn bị cho hội nhập không chỉ có việc cải cách để “nội luật hóa” bảo đảm tuân thủ các cam kết mà còn phải cải cách để tận dụng tốt nhất các cơ hội.
"Nếu ví EVFTA là con đường cao tốc, thì những thể chế nội địa là những đường nội đô, nội thị, những đường gom… Tất cả những con đường này có thông thoáng, kỷ cương thì cỗ xe kinh tế Việt Nam mới có thể tăng tốc", ông Lộc nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cho biết đang yêu cầu các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ ở châu Âu tập trung nguồn lực để phát triển thị trường, tìm kiếm các các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu mới trong bối cảnh EVFTA được thực thi.
Chuẩn bị các kịch bản và phương án để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU ngay khi kết thúc dịch bệnh, có tính đến việc tận dụng Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và khôi phục thị trường.
Doanh nghiệp làm gì để tận dụng cơ hội từ EVFTA? Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có FTA với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Để tận dụng tốt các cơ hội của thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt đầu triển khai một số hành động sau: Đầu tiên và quan trọng nhất, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định đối với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Các nội dung chính của Hiệp định hiện đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương. Hai là việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp phải đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU. Ba là doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU. |
Lê Thúy