Phát triển dịch vụ tuyển dụng ở Việt Nam trở thành trung tâm phát triển dịch vụ tuyển dụng của Harvey Nash tại châu Á. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc Phát triển phần mềm của Harvey Nash tại Việt Nam, với KINH DOANH.
Ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc Phát triển phần mềm, Harvey Nash tại Việt Nam
----------------------------
Harvey Nash lên kế hoạch phát triển một cách toàn diện trên toàn cầu bằng cách thông qua các trung tâm công nghệ tại Việt Nam để tiếp cận thị trường châu Á, ông có thể cho biết rõ hơn về kế hoạch này?
Harvey Nash hoạt động tại Việt Nam từ năm 2000. Trong thời gian này, từ một nhóm nhỏ 8 người với chỉ một văn phòng đại diện ở Hà Nội, hiện nay chúng tôi có hơn 1.300 nhân viên tại Việt Nam, với văn phòng nhiều nơi ở Hà Nội và Tp.HCM, hoạt động trên ba lĩnh vực dịch vụ chính đó là: phát triển gia công và xuất khẩu phần mềm; gia công quy trình kinh doanh (BPO) và tuyển dụng.
Kế hoạch của chúng tôi là biến trung tâm tại Viêt Nam trở thành một trung tâm dịch vụ phục vụ cho thị trường toàn cầu của Harvey Nash. Dịch vụ phát triển gia công và xuất khẩu phần mềm của chúng tôi vẫn tập trung vào các mảng thị trường truyền thống như Anh, Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Dịch vụ gia công quy trình kinh doanh (BPO) của chúng tôi tập trung vào thị trường trong nước cho mảng dịch vụ thoại (như là call center, telemarketing, telesales, customer service…), và thị trường nước ngoài cho mảng dịch vụ không thoại (như là nhập liệu, phân tích số liệu, số hóa, kế toán thu chi, tính lương….).
Harvey Nash cũng được biết đến như là một trong những công ty tuyển dụng hàng đầu trên thế giới ở châu Âu và Mỹ. Chúng tôi đã hoạt động trên lĩnh vực này trên 20 năm. Gần đây chúng tôi đã đăng ký hoạt động dịch vụ này tại Việt Nam. Kế hoạch của chúng tôi là phát triển dịch vụ tuyển dụng ở Việt Nam trở thành trung tâm phát triển dịch vụ tuyển dụng của Harvey Nash tại châu Á; trước mắt là hoạt động tại thị trường Việt Nam, sau đó là vươn ra các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Hong Kong và Singapore trong giai đoạn 2011 - 2012.
Hiện nay, nhân sự và doanh thu của Harvey Nash tại thị trường Việt Nam đang chiếm bao nhiêu phần trăm tổng doanh thu của Harvey Nash trên toàn cầu, thưa ông?
Harvey Nash Outsourcing đóng góp khoảng 35% doanh thu toàn cầu của tập đoàn Harvey Nash. Việt Nam là trung tâm cung cấp nhân lực để đáp ứng và đóng góp cho doanh thu này. Mục tiêu tăng trưởng trong năm 2011 của chúng tôi trong mảng gia công phần mềm là 40%.
Ông có nhận định như thế nào về tốc độ phát triển của lĩnh vực xuất khẩu phần mềm Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay so với năm 2010?
Hiện nay, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu là những thị trường chính của xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Những thị trường này đang thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đang trên đường hồi phục.
Tuy nhiên, đà phát triển của thị trường Nhật Bản đang chậm lại do các thảm họa thiên tai gần đây. Thị trường Mỹ cũng đang hồi phục cũng phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao. Bên cạnh đó, yêu cầu về trình độ, kỹ năng và tiếng Anh từ thị trường Mỹ đối với nhân lực Việt Nam là rất cao. Thị trường châu Âu thì khá ổn định trong vài năm gần đây.
Mặc dù có một số yếu tố thiếu tích cực trên, tôi vẫn có cái nhìn lạc quan về triển vọng phát triển năm nay của xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Chúng ta đã có nửa năm đầu phát triên khá tốt, và sẽ chứng kiến sự phát triển trở lại từ thị trường Nhật Bản, Châu Âu, và sự hồi phục thị trường Mỹ trong nửa năm tiếp theo.
Có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam hấp dẫn gia công phần mềm vì nhân lực rẻ, kỹ năng làm việc của các kỹ sư phần mềm Việt Nam tốt... Tại thời điểm này, theo ông, những yếu tố trên có còn là lợi thế để Việt Nam cạnh tranh tốt với những thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc hay không?
Theo ý kiến của tôi, đây vẫn là những lợi thế của Việt Nam. Chúng ta vẫn đang có sự cân bằng hợp lý giữa giá và trình độ nhân công so với Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, sự cân bằng này sẽ nhanh chóng bị phá vỡ nếu chúng ta không kiểm soát tốt lạm phát và sự gia tăng nhanh chóng giá nhân công. Hiện nay, giá nhân công của chúng ta đang tăng nhanh hơn nhiều so với sự phát triển về trình độ và năng lực. Chúng ta sẽ nhanh chóng mất lợi thế cạnh tranh với Ấn Độ và Trung Quốc nếu chúng ta không kiểm soát tốt điều đó.
Theo ông hiện nay đâu là bất lợi của Việt Nam trong việc cạnh tranh với các thị trường gia công phần mềm khác như Ấn Độ, Trung Quốc và một số thị trường mới nổi khác?
Lạm phát hai con số đang là một trở ngại lớn cho Viêt Nam. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng một cách chóng mặt trong 12 tháng vừa qua. Điều này góp phần khiến giá nhân công Việt Nam tăng cao. Điểm bất lợi thứ hai là hạn chế về ngoại ngữ của nhân lực Việt Nam. Trung Quốc có chữ viết và ngôn ngữ khá gần gũi với Nhật Bản. Họ có lợi thế về ngôn ngữ rất lớn so với Việt Nam khi làm việc cho thị trường này.
Hiện nay, thị phần của chúng ta ở thị trường Nhật Bản chỉ bằng khoảng 1 - 2% so với thị phần của Trung Quốc. Ấn Độ, Phillipines có thể nói là ngôn ngữ thường ngày của họ là tiếng Anh. Do đó, so sánh với các nước này, chúng ta có điểm bất lợi lớn về ngôn ngữ giao tiếp với khách hàng. Điều này hạn chế rất nhiều các cơ hội của chúng ta, đặc biệt trong dịch vụ BPO.
Điểm bất lợi thứ ba, đó là quy mô nguồn nhân lực. Các công ty phần mềm ở Trung Quốc hay Ấn Độ có thể dễ dàng đáp ứng yêu cầu khách hàng cung cấp hàng trăm lập trình viên một lúc. Nhưng với Việt Nam, không công ty phần mềm nào có thể tự tin đáp ứng yêu cầu cung cấp hàng trăm lập trình viên trong khoảng thời gian ngắn. Điều này là trở ngại rất lớn trong việc tiếp cận và mang về các dự án lớn cho các công ty phần mềm ở Việt Nam.
Để vượt qua những thách thức này, chúng ta cần không chỉ là nỗ lực từ các công ty, tổ chức, mà còn từ rất nhiều các khu vực khác đặc biệt là cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ để cải thiện môi trường, phát triển giáo dục và phát triển nguồn nhân lực dồi dào cho ngành ICT Việt Nam.
Harvey Nash, tập đoàn gia công phần mềm và tư vấn tuyển dụng toàn cầu của Anh, đã cam kết cung cấp những giải pháp tin học tối ưu nhất cho các khách hàng của mình trên nhiều quốc gia. Tập đoàn này đã trở thành nhà tư vấn đáng tin cậy cho nhiều tổ chức, chính phủ và các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Hoạt động với 37 văn phòng trải rộng từ Mỹ, châu Âu đến châu Á. |
Đình Nam
KINH DOANH số 102, ra ngày 22/08/2011