Nhắc đến chuyện này, chuyên gia thương hiệu Nguyễn Văn Thân, Giám đốc công ty Truyền thông Con Đường Việt, cho rằng bao bì xấu, bất tiện là một một trong những cái dở của hàng Việt hiện nay dù chất lượng không hề thua kém hàng ngoại, thậm chí còn vượt trội.
Vấn đề là có nhiều chủ DN Việt lo mải mê tập trung vào khâu chất lượng mà lơ là, chậm chạp trong việc cải tiến, sáng tạo bao bì sản phẩm, trong khi đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để thu hút khách hàng. Điều này chẳng khác nào “tốt che, xấu khoe”.
“Tốt che, xấu khoe”
Chính vì vậy mà nhận xét của ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm công ty Cổ phần Lotte Mart Việt Nam, tại Chương trình Xúc tiến thương mại đưa nông sản Việt vào chuỗi cung ứng Hàn Quốc do Bộ Công Thương tổ chức ở Tp.HCM vào cuối tuần qua rất đáng để suy ngẫm.
Ông Yoon có lưu ý, một trong những lý do khiến nông sản Việt khó cạnh tranh trên thị trường là mẫu mã bao bì sản phẩm còn quá đơn điệu, thiếu sự sáng tạo hoặc chưa có tính thẩm mỹ, lòe loẹt.
Nhận định của ông Yoon cũng gặp được sự đồng tình của khá nhiều ý kiến trên các diễn đàn mạng xã hội. Họ cho rằng đây là vấn đề muôn thuở của nhiều DN Việt Nam và các DN nhỏ nên chú ý ngay từ bây giờ.
Trên thực tế, không những bao bì mà logo, biển hiệu, quảng cáo ở Việt Nam cũng lòe loẹt, quê mùa, kém sang trọng so với thế giới. Hình như các chủ DN Việt muốn bao bì sản phẩm của họ phải được thiết kế màu mè thì họ mới chịu.
Theo giới chuyên gia, nếu bao bì, nhãn mác của hàng Việt xuất khẩu quá xấu sẽ bị khách hàng ở thị trường nước ngoài nhanh chóng loại bỏ đầu tiên ra khỏi danh sách lựa chọn của họ. Đồng thời một bao bì, nhãn mác quá xấu cũng đồng nghĩa với việc khách hàng có ấn tượng xấu về chất lượng sản phẩm.
Một bao bì đẹp sẽ đem lại giá trị truyền thông thương hiệu lớn trong khi một bao bì quá xấu sẽ khiến cho việc quảng bá hình ảnh, truyền thông thương hiệu không có giá trị, không đọng lại trong tâm trí người tiêu dùng. Điều đó càng khiến các khách hàng đánh giá phía DN không đầu tư nghiêm túc trong việc kinh doanh của mình.
Ngoài ra, mẫu mã trên bao bì cũng phải phù hợp với văn hóa tiêu dùng, văn hóa của thị trường xuất khẩu. Như chia sẻ của ông Yoon Byung Soo, một số bao bì mặt hàng kẹo dừa, mít sấy, bánh tráng, bún khô…
![]() |
Hạn chế về khâu đóng gói, bao bì là một trong những điểm yếu của nông sản Việt xuất khẩu
được phiên dịch “máy móc” sang tiếng Hàn khiến khách hàng bên đó không hiểu nổi. Thậm chí, bao bì các sản phẩm này quá sặc sỡ trong khi người Hàn ưa thích xu hướng đơn giản hóa, màu sắc nhã nhặn.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Nguyễn Ngọc Hân, Giám đốc thương hiệu của một DN thực phẩm, nhấn mạnh rằng đặt sản phẩm của mình lên trên một kệ hàng trong siêu thị ở nước ngoài với hàng loạt sản phẩm cùng loại của nhiều quốc gia khác chẳng khác nào một cuộc thi hoa hậu. Tiếc rằng bao bì sản phẩm hàng Việt khi đem ra so sánh quả thật quá mờ nhạt.
Cái dở của hàng Việt
Lẽ ra, các chủ DN xuất khẩu phải thường xuyên đặt câu hỏi: Các khách hàng nước ngoài muốn gì ở bao bì của hàng Việt. Điều cốt lõi vẫn là yếu tố thẩm mỹ, “bắt mắt”, có kiểu dáng đẹp, có hình ảnh, kiểu chữ trình bày gây ấn tượng, thông tin cần thiết trên bao bì. Tuy biết là vậy nhưng sự bảo thủ, không am hiểu thị hiếu khách hàng đã làm cho hàng Việt bị tụt hậu.
Theo đánh giá từ giới chuyên gia, bao bì hàng hóa chưa thật sự nhận được sự quan tâm đúng mức từ các chủ DN nội. Việc thiết kế vẫn còn tùy tiện, sao chép mẫu mã của nước ngoài.
Ngay cả một số hàng hóa hay các loại đặc sản xuất khẩu của Việt Nam, tùy thuộc những thương hiệu nổi tiếng trong nước, mà bao bì cũng chưa được chú trọng, thiếu sáng tạo, ấn tượng và thậm chí, chưa có bản sắc riêng.
Vì vậy, để bao bì hàng hóa Việt Nam có được sự khác biệt và quảng bá thương hiệu Việt, quảng bá được hình ảnh quốc gia, mỗi sản phẩm khi tham gia thị trường toàn cầu không chỉ mang giá trị công năng và giá trị thẩm mỹ, mà còn phải kết hợp bản sắc văn hóa Việt để người tiêu dùng trong nước hay ngoài nước đều có thể phân biệt ngay được nét đặc trưng của hàng hóa Việt Nam.
Vấn đề cần bàn thêm trong hạn chế về bao bì của hàng Việt còn đến từ cái khó của các DN bao bì Việt là công nghệ lạc hậu. Máy móc đa phần là máy cũ và quy trình sản xuất thủ công, năng suất chưa ổn định và sản phẩm không đạt chất lượng như mong muốn.
Ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc công ty Tổ chức triển lãm thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, ngành bao bì Việt được dự đoán sẽ đối đầu nhiều thách thức về mặt công nghệ khi yêu cầu của khách hàng đối với nhà sản xuất ngày càng khắt khe.
Còn theo ông BT Tee, Tổng Giám đốc công ty Dịch vụ triển lãm SES Việt Nam, DN nước ngoài đánh giá ngành bao bì của Việt Nam hiện chưa phát triển, trong khi dự báo cho thấy sản xuất hàng hóa trong nước phục vụ cho thị trường tại chỗ và xuất khẩu sẽ phát triển mạnh, dẫn đến nhu cầu bao bì sẽ rất lớn.
Thực tế cho thấy, mặc dù ngành bao bì Việt hiện có mức tăng trưởng 15 – 20% nhưng thị phần lớn vẫn thuộc về các DN nước ngoài đang tấn công mạnh vào lĩnh vực này, nhất là các loại bao bì đòi hỏi chất lượng cao.
Như vậy, điều đáng lo là các DN sản xuất trong nước do nguồn tài chính mỏng nên khó chọn các đối tác nước ngoài trong việc đóng gói bao bì sản phẩm mà đa phần phải chọn các DN bao bì nội có công nghệ cũ, năng lực hạn chế nhưng giá rẻ để làm bao bì. Cái dở của hàng Việt một phần cũng vì chuyện này!
Thế Vinh