Hiện nay, trong số 27 nước đối tác của Việt Nam tại khu vực Á - Âu, 11 nước đã tham gia vào Liên minh châu Âu (EU) và 5 nước đang trong quá trình gia nhập EU; 5 nước gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan đã thiết lập Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). Việt Nam đã có FTA với EU và EAEU.
Chỉ chiếm được 0,5% thị phần
Ngoài ra, giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ pháp lý vững chắc để phát triển hợp tác song phương, bao gồm: 14 Ủy ban liên Chính phủ/Ủy ban hỗn hợp và 1 cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương. Do vậy, có thể nói các doanh nghiệp Việt Nam đang có những tiền đề thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ hơn thương mại với các nước trong khu vực này, tận dụng những lợi thế về bổ trợ kinh tế, cắt giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan.
Đối tác Nga sang thăm nhà máy chế biến trái cây của Việt Nam (Ảnh: Int) |
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2020, xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Á - Âu đạt 7,18 tỷ USD tăng 16,15%. Nếu tính trên tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2020 của khu vực khoảng 1.400 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm 0,5% thị phần, cho thấy dư địa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trưởng châu Âu - châu Mỹ khẳng định, một số sản phẩm của Việt Nam đã tạo được ấn tượng ở thị trường Á - Âu. Như ở Nga, sản phẩm Cao sao vàng Việt Nam không chỉ xuất hiện trên truyền hình mà còn tạo nên cơn sốt với các bạn trẻ khi họ tự làm video clip giới thiệu về cao sao vàng.
"Chúng tôi không ngờ rằng sản phẩm này lại nổi tiếng ở trong lứa tuổi thanh niên", ông Linh nói và cho rằng nếu tiếp tục phát triển, xây dựng thương hiệu thì hàng hóa Việt Nam rất có cơ hội tại thị trường Nga, cũng như thị trường Á - Âu nói chung.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Séc, cộng đồng người Việt ở Séc rất đông nên nhu cầu sử dụng hàng Việt rất lớn, nhất là sau khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Ví dụ như mặt hàng gạo, sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi (từ 1/8/2020), nhiều kiều bào Việt Nam ở Séc đã chuyển sang nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Tuy vậy, vấn đề bà Thủy băn khoăn là tính cạnh tranh của hàng Việt ở thị trường này. Theo đó, tại Séc, hàng Thái Lan được truyền thông, quảng bá rất bài bản theo chiến dịch theo mùa hoặc cả năm. "Nhiều người Việt Nam ở Séc có phản ánh với tôi rằng, nói đến một số sản phẩm quen thuộc thì người ta hay nhắc đến Thái Lan hay Trung Quốc nhiều hơn là Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải xây dựng, có chiến lược quảng bá hàng Việt Nam nhiều hơn nữa", bà Thủy nêu vấn đề.
Chưa có thương hiệu
Ông Phạm Văn Công, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hungary cũng cho biết, gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh với gạo của Úc, Ấn Độ, Thái Lan... Gạo Thái Lan xây dựng thương hiệu tốt hơn Việt Nam nên được nhiều người dùng ở Hungary biết tới. "Dù chưa phát hiện ra nhưng có tình trạng gạo Việt Nam bị đóng thành bao gạo của Thái Lan để tiêu thụ tốt hơn", ông Công chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan chỉ ra thực trạng đa số hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đều nằm dưới thương hiệu của nước ngoài như Đức hay Ý. Nguyên nhân là vì khoảng 60% hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô.
Dẫn chứng từ mặt hàng cà phê, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 86.000 tấn cà phê sang Nga, đạt giá trị hơn 100 triệu USD, trong khi Ý chỉ xuất khẩu 15.000 tấn cà phê nhưng đạt giá trị 105 triệu USD vì 100% cà phê của nước này khi xuất khẩu sang Nga là cà phê chế biến.
"Đáng lưu ý, cà phê chế biến của Ý chủ yếu nhập nguyên liệu từ Việt Nam", ông Minh nói và cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn tận dụng ưu đãi, đầu tư vào khâu rang xay chế biến nhiều hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần có chiến lược xây dựng thương hiệu, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Việt kiều tại Nga.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ, trong thời gian COVID-19, người tiêu dùng thế giới uống nhiều chè nhiều hơn. Xuất khẩu chè tại Việt Nam có giá 30-40 USD/kg, nhưng ở Pháp bán hàng trăm USD/kg. Một trong những quốc gia trong EU ngoài Pháp tiêu thụ chè nhiều nhất là Séc.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chè đang khúc mắc ở khâu vận tải: tàu đi từ Việt Nam sang Nam Ninh (Trung Quốc) lại phải đổi tàu, dẫn tới hàng hóa Việt Nam bị chậm ở khâu vận chuyển, phải xếp phía sau hàng hóa Trung Quốc. Thậm chí, do không được quảng bá rộng rãi nên nhiều khi người tiêu dùng ở khu vực Á - Âu lại nhầm lẫn chè Việt Nam là hàng Trung Quốc.
"Hiện nay, ngành chè xuất khẩu nhiều sản phẩm sâu như túi nhúng, nguyên liệu làm trà sữa để nâng cao giá trị. Trong thời gian tới, ngành chè còn phát triển nếu mạng lưới logistics hỗ trợ, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu", bà Hồng phân tích.
Còn theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Hapro, xuất khẩu sang thị trường Á - Âu gặp khó khăn về ngôn ngữ, vận chuyển, bất cập khâu thanh toán...
Các doanh nghiệp cho rằng, vai trò quan trọng của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước và các Đại sứ quán, cơ quan đại diện thương mại của các nước tại Việt Nam là rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin thị trường cập nhật cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp gia tăng các cơ hội xuất nhập khẩu hàng hóa, mở rộng và đa dạng hóa mặt hàng. Các Thương vụ của Việt Nam tại các nước là cầu nối quan trọng cho công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, dệt may, đồ gỗ và da giày…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định: “Với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động hợp tác song phương và đa phương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và thông qua các cơ chế Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên Chính phủ..., tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ các rào cản, thiết lập các khung khổ khổ pháp lý thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, tọa đàm, đối thoại, trao đổi thông tin với các thị trường, với các địa phương, doanh nghiệp.
Nhật Linh