Sau khi gia nhập WTO, Thị trường bán lẻ dự báo sẽ tăng trưởng khá nhanh và có thể đạt doanh thu từ 102 tỷ USD lên 179 tỷ USD sau 5 năm nữa.
Ngành bán lẻ Việt Nam hứa hẹn sẽ là lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và thực tế các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng yếu thế tại thị trường trong nước với hàng loạt các tên tuổi lớn như Tập đoạn Casino (BigC), Metro, Aeon, Lotte đã đổ bổ và chiếm lĩnh thị trường.
Chi tiền bình ổn, giá vẫn cao
Phát biểu tại Hội thảo” Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và Thách thức” diễn ra sáng 18/5, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Việt Nam – chia sẻ: “Là người gắn bó với lĩnh vực kinh doanh siêu thị từ những ngày đầu, tôi chứng kiến doanh nghiệp trong nước đã có nhiều cố gắng nhưng sự chuyển mình chậm nên khi sức ép của doanh nghiệp nước ngoài mạnh về vốn, kinh nghiệm, khiến ta có nguy cơ thua ngay trên sân nhà”.
Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp nội khó cạnh tranh ngay trên sân nhà là giá cả. Ông Phú nêu: “Hiện nay, rất nhiều mặt hàng trong siêu thị nội có giá cao hơn siêu thị ngoại cho dù hàng năm, Nhà nước hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng bình ổn giá”.
Dẫn trường hợp cụ thể là Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), ông Phú cho biết, doanh nghiệp này có hàng trăm tỷ đồng bình ổn giá song giá bán các mặt hàng của siêu thị vẫn cao hơn bên ngoài.
Ông Phú đưa dẫn chứng, một gói mì chính, chai dầu ăn bán tại Lotte (Hàn Quốc) cũng có giá rẻ hơn khi so sánh với siêu thị Hapro. “Chúng ta cũng không thể cạnh tranh được với trứng gà trong siêu thị có giá tới 47 nghìn đồng, gấp hơn hai lần so với giá bán bên ngoài” - ông Phú khẳng định.
Đợt bình ổn giá vừa qua, siêu thị Fivimart được hỗ trợ 32.000 tấn rau bình ổn giá ra thị trường Hà Nội, tuy nhiên, dù với lượng rau kể trên có thể “rải khắp đường” nhưng lại không đến tay người dùng.
“Không hiểu sử dụng vốn quỹ bình ổn như thế nào, tôi cho rằng có lợi ích nhóm”, ông Phú đặt nghi vấn.
Hệ thống phân phối và quy hoạch ngành cũng là rào càn khiến thị trường bán lẻ không cạnh tranh được với khối ngoại. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận: “Một số doanh nghiệp được nhận ưu ái sau đó lại được bán cổ phần cho các doanh nghiệp nước ngoài”.
Đồng ý với ý kiến của Thứ trưởng, ông Phú lấy ví dụ: “Ngay như trường hợp Fivimart sau khi nhận rất nhiều ưu đãi đã bán 30% cổ phần cho Aeon (Nhật Bản). Rồi 700m đường Thái Thịnh quy hoạch ba siêu thị gồm Hapro, Lotte, Fivimart. Không thể hiểu nổi cách bố trí như thế nào!”.
Quy hoạch kém, phân phối lại yếu, khiến nền sản xuất không thể phát triển được. Câu chuyện về sự cần thiết xây dựng chuỗi sản xuất – phân phối nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Vì vậy, mới có chuyện sau mỗi thương vụ mua – bán, doanh nghiệp FDI đã tăng chiết khấu lên đến 20%-25%.
Đề cập vấn đề này, ông Phú cho biết, không chỉ có BigC, Metro, chính siêu thị nội cũng ép phí tạo mã, phí sinh nhật… “Chúng ta tự hại chúng ta và chúng ta phân phối yếu thì sản xuất cũng chết. Trứng và cánh gà được bày bán tại các siêu thị là CP (Thái Lan), không phải gà Yên Thế của Việt Nam. Chúng ta tự hại chúng ta 70%, sức ép từ bên ngoài chỉ chiếm 30%”, ông Phú nhận định.
![]() |
Hapro được hưởng nhiều ưu đãi từ quỹ bình ổn nhưng nhiều sản phẩm tại hệ thống siêu thị này vẫn có giá cao ngất ngưỡng
Ai nắm bán lẻ,là chủ sản xuất
Tại hội thảo, không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng ai nắm khâu bán lẻ sẽ làm chủ các ngành sản xuất. Nếu doanh nghiệp ngoại nắm thị trường bán lẻ, các nhà sản xuất phải dè chừng vì sẽ có nhiều hệ lụy. Bởi vậy doanh nghiệp nội muốn chiếm lĩnh thị trường phải bắt tay ngay vào việc xây dựng chuỗi sản xuất và phân phối.
Ông Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng trong khi các doanh nghiệp ngoại áp đảo thị trường thì các doanh nghiệp nội lại như hụt hơi trong cuộc chơi không cân sức với các đại gia bán lẻ ngoại. Do vậy, các doanh nghiệp bán lẻ cần nghiên cứu và tận dụng lợi thế có sẵn để tăng sức cạnh tranh.
Đó là, doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi liên kết vùng, liên kết sản xuất- phân phối. Nếu có liên kết chặt chẽ sẽ giúp giảm giá thành và hàng sản xuất được đảm bảo về nguồn đầu ra, tránh tình trạng lãng phí.
Ngoài ra, cũng theo ông Khôi, với lộ trình mở cửa lĩnh vực phân phối, các doanh nghiệp thương mại có vốn đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu nổi tiếng và kinh doanh bài bản đang thực hiện thôn tính các doanh nghiệp và thương hiệu Việt Nam bằng cách mua bán sáp nhập. Trong xu thế đó, doanh nghiệp nội phải biết tận dụng và khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường có lợi thế. Các siêu thị chuyên doanh như Trần Anh, Thế giới di động, FPT…đang làm tốt việc này.
Ngoài ra, chợ truyền thống vẫn chiếm vị trí quan trọng trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần phải nghiên cứu, xây dựng chiến lược dài hạn nhằm phát huy và khai thác tốt tiềm năng khu vực thị trường này.
Thanh Hoa
Ông Ngô Tuấn Anh - Đại học Kinh tế Quốc dân Thời gian gần đây, các doanh nghiệp bán lẻ Nhật, Pháp, Mỹ và Thái Lan… vào Việt Nam sẽ kéo theo hàng hoá nước họ. Trong khi các doanh nghiệp nội kinh doanh thiếu tính chuyên nghiệp, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tâm lý làm ăn chộp giật, mạnh ai nấy bán, cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới tất cả đều phát triển manh mún, thiếu bài bản. Đây sẽ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm. Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hội nhập cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế mạnh, những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh cũng chịu sức ép cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực đang bán hàng cũng mất thị phần, mất doanh số. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nhiều hãng bán lẻ nước ngoài nhảy vào Việt Nam thì doanh nghiệp cần phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh. Đồng thời, nhà nước cũng sẽ có những chính sách ưu đãi hợp lý, để tránh hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước nhưng thực chất là hỗ trợ cho nước ngoài. Ông Dương Duy Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương Việc sáp nhập, sang nhượng giữa các doanh nghiệp với nhau là bình thường nhưng làm thế nào để có lợi cho doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng là vấn đề bức thiết. Bởi vậy, bản thân doanh nghiệp cần chủ động trong điều kiện hiện tại, chơi trong sân chơi đảm bảo công bằng, tuân thủ các cam kết. Hội nhập nói chung và hội nhập trong lĩnh vực bán lẻ nói riêng có nhiều khốc liệt, xuất phát từ nhiều phía. Vì vậy, Chính phủ và doanh nghiệp phải cùng vào cuộc. |