Mới đây, 6 doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản ở Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Tp.HCM và Bình Dương đã "kêu cứu" về việc gần 50 container nhập khẩu (NK) hải sản nguyên liệu để chế biến bị ách tắc ở cảng từ đầu tháng 11 do chịu tác động từ những điều chỉnh thất thường trong quy định kiểm dịch của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT).
Nhiều thiệt hại phát sinh
Việc này dẫn đến phát sinh chi phí lưu công, lưu bãi rất lớn cho DN, thậm chí có nhà máy buộc phải tạm ngưng hoạt động, cho công nhân nghỉ làm. Ngoài ra, khách hàng đòi phạt hợp đồng do giao hàng trễ, ảnh hưởng đến uy tín của DN với khách hàng nước ngoài, thiệt hại về lãi suất ngân hàng, không đạt doanh số…
Mặt khác, một số DN buộc phải hoãn, ngưng ký các hợp đồng NK thủy sản. Như công ty TNHH Hải Vương trung bình mỗi tháng nhập 220 container cá ngừ, nhưng trước quy định mới của Cục Thú y, công ty đang tính tới việc buộc phải hoãn 280 container cá ngừ NK. Một số DN khác như: Highland Dragon, Hai Nam Co.,Ltd khi thấy văn bản của Cục Thú y cũng đã ngưng ký hợp đồng NK.
Qua tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh được biết ngày 3/11/2018, Cục Thú y đã ra văn bản điều chỉnh việc kiểm dịch nguyên liệu thủy sản NK từ tàu đánh bắt được đóng container tại cảng trung chuyển nước ngoài.
Trong đó, các container hàng hải sản vận chuyển về Việt Nam nếu không có được Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu – H/C (Health Certificate) sẽ bị ách tại cảng để chờ Cục Thú y tổng hợp, báo cáo và xin ý kiến của Bộ NN&PTNT.
Điều đáng nói, đặc thù dòng hàng NK này bản chất là "cá tàu" (không có Giấy H/C trong hồ sơ yêu cầu) vẫn đang NK bình thường trong gần 10 năm qua.
Phân tích về đường đi của "cá tàu" không có giấy H/C, ông Lê Văn Nam, chủ một DN chuyên nhập nguyên liệu hải sản để gia công chế biến xuất khẩu, cho biết một số lô hàng NK về Việt Nam bằng container, tuy nhiên do lô hàng đánh bắt trên ngư trường, được vận chuyển bằng tàu cá (của Đài Loan, Hàn Quốc…) đến cảng ngoại quan (bouded port) ở Thái Lan để dỡ hàng một phần lượng hàng trên tàu, đóng vào container rồi xuất về Việt Nam.
Việc dỡ hàng tại cảng ngoại quan để đóng vào container về Việt Nam được thực hiện bởi đại lý vận tải (freight forwarder) của chủ hàng (là người bán ở Nhật, Singapore…). Việc dỡ hàng và đóng hàng vào container được giám sát chặt chẽ từ Hải quan của cảng ngoại quan đó.
Việc người bán không thể lấy Giấy H/C cho lô hàng là có lý do. Đơn cử như Thái Lan không cấp H/C cho chủ thể ở quốc gia, vùng lãnh thổ khác (vì tàu cá là của Đài Loan, Hàn Quốc, chủ hàng thì lại ở Nhật, Singapore…).
![]() |
Hàng chục container ách tắc ở cảng gây nhiều thiệt hại cho DN |
Khó đáp ứng yêu cầu
"Hơn nữa, đối với cảng ngoại quan, đây là nơi được xem như khu vực không thuộc kiểm soát của nội địa Thái Lan mà do hải quan ngoại quan kiểm soát, không thể nào yêu cầu cơ quan nào cấp H/C cho lô hàng không thuộc quyền quản lý của họ", ông Nam chia sẻ.
Mặt khác, phía đại lý vận tải chỉ đại diện chủ hàng để thực hiện các việc logistics như dỡ hàng, đóng hàng và làm thủ tục xuất container về Việt Nam. Còn bản thân chủ hàng (Nhật, Singapore) thì không thể yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước mình cấp H/C cho lô hàng vì lô hàng không cập cảng Nhật, Singapore.
Vì thế, nếu như cơ quan quản lý "máy móc" trong thủ tục kiểm dịch, đòi hỏi các container hàng hải sản vận chuyển về Việt Nam phải có Giấy H/C thì phía DN nhập khẩu các loại hải sản thuộc loại "cá tàu" sẽ khó có thể đáp ứng được.
Quan sát chuyện này, giới chuyên gia cho rằng đối với những lô nguyên liệu NK không có H/C do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp thì Cục Thú y hoặc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) nên tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích rồi cấp H/C để DN được NK vào Việt Nam.
Trong trường hợp với lô nguyên liệu NK để sản xuất xuất khẩu đi thị trường EU, nếu lô hàng đã đáp ứng quy định IUU105 (chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) nhưng chỉ thiếu Giấy H/C hoặc H/C không có câu chữ "meet with EU regulation" như cơ quan thẩm quyền Việt Nam yêu cầu thì nên để cơ quan thú y hoặc NAFIQAD tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích để chứng nhận cho lô nguyên liệu đủ điều kiện để XK sang EU.
Trên thực tế, một số nước (đơn cử như Salomon) chỉ cấp H/C có chứng nhận lô hàng đạt yêu cầu EU (nghĩa là "meet EU Requirements") đối với những lô hàng mà nước họ xuất trực tiếp đi EU và việc cấp EU H/C này phải làm trên Hệ thống chuyên môn và kiểm soát thương mại (Trade Control and Expert System –TRACES) được Ủy ban châu Âu thiết lập và vận hành.
Đối với những nước NK không phải EU (ví dụ như Việt Nam) thì họ không cấp H/C trên hệ thống TRACES được nên không thể nào cấp H/C có câu chữ "meet EU Requirements" như DN Việt yêu cầu.
Ngoài ra, có rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu thủy hải sản (như Nhật Bản, Maldives, Senagal, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc…) có form mẫu định sẵn theo quy định của họ nên không thể chèn thêm câu chữ "meet EU Requirements" như Việt Nam yêu cầu.
Nói như vậy để thấy rằng trước tình trạng ách tắc hàng chục container thủy sản NK ở cảng như hiện nay gây thiệt hại cho phía DN, Cục Thú y cần tìm hiểu kỹ, tham khảo các thông lệ quốc tế và có hướng giải quyết tạo thuận lợi hơn cho DN.
Thế Vinh