Đây là chia sẻ của ông Ko Sang Goo, Chủ tịch công ty Thương mại Toàn cầu K&K (chuyên nhập khẩu và phân phối thực phẩm Hàn Quốc) tại Hội thảo hệ thống bán lẻ Việt Nam: Kênh phân phối và cách tiếp cận diễn ra ngày 29/11.
Nói về lí do đưa gạo Hàn tiếp cận thị trường Việt, ông Ko Sang Goo cho biết: “thực tế, nhiều người ở Hàn Quốc bảo chúng tôi là chiến lược này sẽ không hiệu quả, vì Việt Nam không thiếu gạo, trong khi gạo Hàn đắt gấp ba lần gạo Việt thì làm sao người Việt mua gạo Hàn. Tuy nhiên, khi tiếp cận thị trường Việt Nam, gạo Hàn đã được người Việt khá ưa chuộng. Hiện nay, công ty tôi mỗi tháng nhập khẩu 2 container gạo Hàn Quốc về Việt Nam bán”.
Đắt gấp ba vẫn bán chạy
“Chúng tôi tiếp cận thị trường gạo ở phân khúc cao cấp thông qua hệ thống siêu thị K mart. Dự tính sắp tới, chúng tôi sẽ bán gạo Hàn vào trong các hệ thống bán lẻ của Việt Nam như Lotte mart, Aone…”, ông Ko Sang Goon cho biết. Cùng với gạo Hàn, hiện rất nhiều sản phẩm của Hàn Quốc cũng đã và đang đổ bộ thị trường Việt. Cho biết hiện nay hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ chiếm 8% hàng nhập khẩu của công ty, ông Nguyễn Vũ Tuấn, Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu TCT, chia sẻ rằng những sản phẩm của Hàn Quốc như nấm tươi, rong biển… đang được rất nhiều người Việt ưa chuộng, thể hiện bằng sức tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng.
Vì vậy, cùng với việc gia tăng nhập khẩu những mặt hàng trên, thời gian tới, ông Tuấn cho biết công ty này sẽ tiếp tục nhập thêm nhiều mặt hàng khác của Hàn Quốc. Với lợi thế cắt giảm thuế quan, giá của nhiều sản phẩm sẽ giảm. Đây sẽ là lợi thế cho hàng Hàn Quốc thâm nhập thị trường Việt.
Theo Tổng cục Thống kê, tính tới tháng 11/2016, giá trị hàng hoá nhập từ Hàn Quốc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 13,2%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,6%.
Trước đó, số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, cho biết tính tới tháng 9/2016, Việt Nam nhập khẩu hàng hoá từ Hàn Quốc đạt hơn 23 tỷ USD, trong đó những mặt hàng nhập khẩu nhiều như thuỷ sản, sữa, rau quả…
Có tới hơn 50 mặt hàng Hàn Quốc, từ kẹo cao su, mì gói, mỹ phẩm, rượu, thực phẩm chức năng…đang xuất hiện ở thị trường Việt Nam.
Nhiều lợi thế
Theo một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam là mỏ vàng lớn nhất của các tập đoàn kinh tế xứ sở Kim Chi.
Theo nghiên cứu của Euromonitor International trên mẫu 400 công ty FMCG hàng đầu Hàn Quốc vào năm 2014, có tới 132 công ty đã mở rộng hoạt động kinh doanh tới Việt Nam, chiếm tỷ lệ 33%.
Việt Nam đứng đầu danh sách top 10 quốc gia được các doanh nghiệp Hàn Quốc để mắt tới nhiều nhất. Trong khi đó, thị trường rộng lớn ở Trung Quốc đại lục chỉ thu hút 112 công ty, chiếm tỷ lệ 28%, ít hơn con số tương tự ở Việt Nam.
Theo thống kê, có tới hơn 50 mặt hàng Hàn Quốc, từ kẹo cao su, mì gói, mỹ phẩm, rượu, thực phẩm chức năng… đang xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Sự đa dạng hàng hóa này chỉ xếp thứ hai, sau thị trường mang lại tổng doanh thu cao nhất là Trung Quốc.
Việt Nam cũng thể hiện là thị trường hấp thụ hàng tiêu dùng Hàn Quốc với tốc độ nhanh đáng ngạc nhiên. Trong giai đoạn 2009 – 2014, doanh số bán lẻ của các tập đoàn tại Việt Nam tăng trưởng nhanh ở mức thứ 4 chỉ sau các nước Nga, Iran và Trung Quốc, với con số khoảng 100 triệu USD.
Trong khu vực Đông Nam Á, các tập đoàn Hàn Quốc cũng lựa chọn Việt Nam như một thị trường tiêu dùng ưu tiên hàng đầu. Trong năm 2014, tổng doanh thu bán hàng tiêu dùng nhanh thu được tại Việt Nam cao hơn hẳn các thị trường Singapore, Philippines, Thái Lan…
Vậy nên để hiện thực hoá mục tiêu 70 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc vào năm 2020, Cục Xúc tiến thương mại Hàn Quốc đã tổ chức Triển lãm giao thương Hàn Quốc 2016.
Các sản phẩm Hàn Quốc được trưng bày giới thiệu đều là những sản phẩm có mức tiêu thụ lớn tại thị trường Việt như mỹ phẩm, trang sức, đồ gia dụng – bếp, thực phẩm – đồ uống, thiết bị LED, đồ dùng – đồ chơi thông minh cho bé và các nguyên liệu phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp nhẹ.
Đáng chú ý, đây là những mặt hàng nằm trong lộ trình cắt giảm thuế quan theo Hiệp định FTA vừa được kí kết._Năm 2015 là năm đánh dấu dự kiện quan trọng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (FTA) có hiệu lực với 11.679 dòng thuế cho Việt Nam và 8.521 dòng thuế cho Hàn Quốc cam kết xoá bỏ.
Tiếp đó, Hiệp định Thương mại tự do Asean– Hàn Quốc và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc đã và đang mở cơ hội ngày càng lớn hơn cho cộng đồng DN nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế các nước.
Trước đó, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA Hanoi) cũng vừa lựa chọn sàn thương mại điện tử Adayroi là kênh xúc tiến thương mại mới tại Việt Nam.
Truy cập vào website này, người tiêu dùng có thể lựa chọn và mua sắm hàng nghìn chủng loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau của Hàn Quốc, từ vật dụng gia đình đến thiết bị điện tử, hóa mỹ phẩm…
Phía Hàn Quốc kỳ vọng việc hợp tác này sẽ giúp doanh thu các sản phẩm Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam tăng 200% thời gian tới.
Đại diện KOTRA Hanoi cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Không chỉ nằm ở số lượng người dùng Internet mà còn ở sự tương đồng văn hóa của người dân hai nước và sự tín nhiệm của người tiêu dùng về sản phẩm do Hàn Quốc sản xuất”.
Vì vậy có thể nói hàng hoá của Hàn Quốc đang có những điều kiện thuận lợi nhất để thâm nhập thị trường Việt Nam.
Ông Lê An Hải Ông Ko Sang Goo Ts. Võ Tòng Xuân |
Lê Thúy