Trước đó, sau khi thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đánh giá đây là lần đầu tiên trong 3 năm hội đồng có mức đồng thuận cao như vậy. Với số phiếu Hội đồng có 14/15 thành viên tham gia bỏ phiếu, (1 thành viên đi vắng) số phiếu hợp lệ là 14 phiếu và số phiếu đồng thuận với phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4% để trình Chính phủ là 13/14 phiếu, chiếm tỷ lệ 92,8%.
Chưa thỏa mãn người lao động
Tuy nhiên ngày 5/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) lại bất ngờ gửi kiến nghị lên Thủ tướng đề nghị tăng lương tối thiểu vùng 2016 lên 14,4% thay vì phương án đã được chấp thuận tăng 12,4% được Hội đồng tiền lương Quốc gia thông qua trước đó. Theo lý giải của Tổng LĐLĐ, mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 là 12,4% thấp hơn mức tăng năm 2015, khiến người lao động khó có thể trang trải cuộc sống.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng, đưa ra những lý do trong văn bản kiến nghị Thủ tướng mới đây là mức tăng trưởng nền kinh tế được dự báo cao hơn trước, trong khi lương tối thiểu được điều chỉnh tăng thấp hơn là không hợp lý.
Thêm vào đó, ông Tùng cũng nhấn mạnh, "Năm 2013 và 2014, lương tối thiểu vùng tăng 17,3% và 15,2% trong khi tăng trưởng GDP chỉ từ 5,4 – 6%. Năm 2016, kinh tế được dự báo là có nhiều triển vọng, tăng trưởng cao hơn năm 2015 và các năm trước đó".
![]() |
(Ảnh minh họa)
Theo điều tra của Tổng LĐLĐ, có 19,9% người lao động cho biết tiền lương hiện nay không đủ sống; 72% người lao động cho biết phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm mới đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8% người lao động có tích lũy. "Điều này lý giải tại sao có 62% số lao động Việt Nam phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống", ông Tùng nói.
Đồng thời, theo ông Tùng, mức tăng lương 12,4% cho năm 2016 chưa đủ để người lao động có thể trang trải đời sống chứ chưa nói đến dành dụm. Ông Tùng đưa ra quan điểm để bảo vệ ý kiến của mình là Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: "Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ".
Về lý do tăng lương tối thiểu sẽ khiến doanh nghiệp tăng chi phí, Tổng LĐLĐ cho rằng, qua các báo cáo của cơ quan thuế, chi phí trả lương thực tế của các doanh nghiệp cho người lao động đã cao hơn mức lương tối thiểu từ 20% đến 40%, số tiền lương thực chi của doanh nghiệp cho người lao động đã cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu quy định.
Như vậy, theo ông Tùng, nếu tiền lương tối thiểu quá thấp, sẽ khiến một lượng lớn lao động ở nhiều vùng miền chịu thiệt do quy định đi sau thực tiễn và doanh nghiệp vin cớ để trả lương thấp cho nhân công.
Doanh nghiệp phản ứng gay gắt
Ngoài ra, đối với ý kiến cho rằng năng suất lao động thấp sao đòi lương cao, Tổng LĐLĐ cho rằng một khi tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu thì rất khó có thể yêu cầu người lao động làm việc với năng suất cao và chất lượng tốt. Vì vậy tăng tiền lương tối thiểu cũng là cách để doanh nghiệp tăng năng suất bền vững.
Sau khi Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra đề xuất trên, Trưởng Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm mức tăng lương vừa được Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua với lí do năm 2016, DN phải tăng lương và đóng BHXH theo quy định mới nên nếu tăng lương vượt quá 20% thì sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí là phải cắt giảm lao động.
Trước khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2016 là 12,4% để trình Chính phủ, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiên quyết bảo vệ quan điểm chỉ tăng lương tối thiểu vùng dưới 10%. Các bên gồm VCCI, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tranh cãi kịch liệt để bảo vệ quan điểm của mình.
Vì vậy, sau khi phương án tăng lương tối thiểu 12,4% được thông qua, VCCI vẫn chưa hài lòng. Bởi trong thời gian qua, doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, mức này thực tế đã vượt quá mức khả năng chi trả của họ. Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI, qua khảo sát thực tế của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong 16 hiệp hội doanh nghiệp có 14 hiệp hội nước ngoài đề xuất mức tăng chỉ dao động khoảng 5-7%.
"Chúng tôi đã khảo sát thực tiễn kết hợp với bộ phận nghiên cứu, kỹ thuật và đưa ra đề xuất là 10%. Mức tối đa từng đưa ra 10,7% là quá khả năng chi trả", ông Phòng cho biết.
Bên cạnh đó, trả lời báo chí mới đây, ông Hoàng Quang Phòng nêu ra hàng loạt những khó khăn của doanh nghiệp kể từ thời điểm 1/1/2016: Là tiền đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35% – 40% so với năm 2015. Đến năm 2018, mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ bao gồm cả tiền lương, phụ cấp và khoản bổ sung khác. Từ năm 2016, doanh nghiệp sẽ phải đóng thêm các chi phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động…
Như vậy, ngay cả phương án mà Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp và đánh giá là có sự đồng thuận cao nhất khi bỏ phiếu thông qua phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4% cũng đang nhận sự phản ứng gay gắt của cộng đồng doanh nghiệp, thì với phương án mà Tổng LĐLĐ đề xuất mới đây là tăng lên 14,4%, chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam PGs. Ts. Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học và Xã hội Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Rõ ràng các bên đứng ở lợi ích khác nhau nên có những đề xuất khác nhau. Nguyên tắc đầu tiên ở đây là thỏa thuận, dựa trên lợi ích chung. Chẳng hạn, nếu tiền lương tối thiểu tăng cao quá thì bảo đảm lợi ích của người lao động nhưng không bảo đảm được chi phí của người sử dụng lao động dẫn đến hệ lụy người lao động có thể bị sa thải, không đảm bảo các chỉ tiêu khác của nền kinh tế như lợi nhuận hay tăng trưởng kinh tế và ngược lại. Bà Virginia B. Foote - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội Doanh nghiệp đã và đang đối mặt với việc tăng chi phí cho lao động bao gồm các khoản đóng góp cho an sinh xã hội cao hơn và nhiều lợi ích bắt buộc hơn. Chúng tôi cho rằng các yếu tố tăng trưởng chi phí này cần được đưa vào cân nhắc, thay vì chỉ nhìn vào mỗi mức lương tối thiểu. Những chi phí này dễ dàng tăng gấp đôi chi phí thực tế mà người sử dụng lao động phải trả và chi phí này nhìn chung cao hơn ở các nước lân cận. Đặc biệt, mức tăng đề xuất 18% bảo hiểm xã hội cũng cần được xem xét, cân nhắc lại. |
Lê Thúy