Đây là thông tin được Bộ Công Thương nêu ra tại báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng năm 2022. Trong đó, Bộ Công Thương đánh giá thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước thời gian qua có nhiều biến động.
Diễn biến giá xăng dầu từ tháng 1.6.2022 - 1.8.2022. |
Tại kỳ điều hành ngày 1/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm xăng E5 RON 92 là 450 đồng/lít, còn xăng RON 95 giảm 470 đồng/lít. Dầu diesel cũng giảm nhưng với mức cao hơn là 950 đồng/lít, dầu hỏa giảm 710 đồng/lít, riêng dầu mazut giữ nguyên giá so với kỳ trước.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 24.620 đồng/lít, xăng RON 95 là 25.600 đồng/lít, dầu diesel là 23.900 đồng/lít, dầu hỏa 24.530 đồng/lít, dầu mazut 16.540 đồng/kg. Như vậy, xăng dầu đã giảm phiên thứ 4 liên tiếp trong sự mong ngóng của người tiêu dùng.
Về công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 21/7/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) biến động tăng từ 8,42% - 51,89% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 21/7/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) chỉ tăng từ 1,14% - 47,31%.
Bên cạnh giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương cho biết đã tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu (trong trường hợp giá xăng dầu thế giới có diễn biến tăng cao ảnh hưởng đến giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước) như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch của Chính phủ.
Trong 2 quý cuối năm 2022, lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn dự kiến cung ứng 72-80% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước. |
Đáng chú ý, Bộ Công Thương cho biết trong quý III, quý IV/2022, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của hai Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 6 tháng cuối năm là: Quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và Quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
Như vậy, về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Hiện, Bộ Công Thương cho hay hai nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi việc sản xuất, cung ứng xăng dầu của các đơn vị, trong trường hợp có sự thay đổi, biến động so với kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ có biện pháp phù hợp để chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu, các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu điều chỉnh kế hoạch sẳn xuất để luôn bảo đảm cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường.
Thy Lê