Theo WB, tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng lên 8,5% so với cùng kỳ năm trước cho thấy sự cải thiện chung trong hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, sau khi giảm vào tháng 1, sản xuất máy tính, điện tử và sản phẩm quang học đã phục hồi trở lại, tăng 9,1% (so với cùng kỳ năm trước).
Tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng lên 8,5% so với cùng kỳ năm trước cho thấy sự cải thiện chung trong hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo (Ảnh: TL) |
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bật tăng từ 53,7 điểm trong tháng 1 lên 54,3 điểm vào tháng 2 - mức cao nhất trong 10 tháng gần đây, cho thấy điều kiện kinh doanh trong nước tiếp tục được cải thiện.
Báo cáo của WB đánh giá hoạt động kinh tế đã phục hồi, thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2 ước tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng trong tháng 1.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục phục hồi, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, là lần tăng đầu tiên kể từ tháng 5/2021, nhờ doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng mạnh (12,6% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 2,4% (so với cùng kỳ năm trước).
Trong khi đó, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng lần lượt 15,5% và 22,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng trong tháng 1.
Về đầu tư nước ngoài, vốn giải ngân của các dự án FDI tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, là tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp.
Liên quan đến vấn đề đang rất nóng hiện nay là giá xăng dầu, WB có nhìn nhận đáng chú ý: "Giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước. Tuy nhiên, giảm thuế bảo vệ môi trường không phải là chính sách đúng đắn để hạ nhiệt giá xăng dầu".
Kiềm chế lạm phát cũng là một điểm nhấn được WB đánh giá cao. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Tuy nhiên, WB lưu ý: "Mặc dù nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu và đang phục hồi, rủi ro tiêu cực đã tăng cao do các ca nhiễm Omicron đang quét qua cả nước và xung đột Nga - Ukraine gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát. Giá hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và có thể còn tiếp tục tăng trong ngắn hạn", WB nhận xét.
WB khuyến nghị cơ quan chức năng nên khuyến khích các nhà xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệp định thương mại tự do hiện có để nâng cao khả năng chống chịu của xuất khẩu.
Phương Linh