Goldman Sachs vừa lần đầu tiên công bố báo cáo riêng về kinh tế vĩ mô Việt Nam, trong đó dự báo tăng trưởng GDP năm nay là 2,7%, thấp hơn con số WB và ADB đưa ra trước đó là 2,8% và 3,1%. Tuy vậy, lạm phát sẽ được kiểm soát dưới 4%, theo mục tiêu trước đó đã được Quốc hội thông qua.
Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và lạm phát được kiểm soát, cán cân thanh toán được cải thiện trong năm tới là những chỉ báo cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Bước sang năm 2021, Goldman Sachs cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 8,1%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1997.
Động lực lớn nhất giúp nền kinh tế sớm phục hồi là xuất khẩu. Goldman Sachs cho rằng vị trí trong chuỗi cung ứng và địa lý có đường biên giới giáp Trung Quốc, chỉ mất 2-3 giờ lái xe tính từ phía Bắc là lợi thế của Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, chi phí lao động cạnh tranh hơn, khiến nhà đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... hoạt động trong những ngành sử dụng nhiều lao động vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Đáng nói, xu hướng này bắt đầu từ năm 2010, trước thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra và tập trung vào những ngành như may mặc, da giày, túi xách...
Goldman Sachs: Kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi nhờ xuất khẩu (Ảnh minh họa) |
Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với những đối tác lớn còn giúp Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày một gia tăng. Minh chứng cho điều này có thể kể đến kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ năm ngoái tăng trưởng gần 30% và đạt kim ngạch hơn 61,3 tỷ USD. Do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, người tiêu dùng Mỹ đã chuyển việc mua hàng, trong đó có thiết bị viễn thông từ Trung Quốc sang Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc). Đồng thời, việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực vào 1/8 vừa qua, một lần nữa bổ sung lợi thế cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Goldman Sachs dự báo triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì đà phục hồi, tuy nhiên mức độ và xu hướng như thế nào phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19. Trong kịch bản cơ sở, xuất khẩu Việt Nam sẽ đạt hơn 180 tỷ USD vào cuối năm 2021, với điều kiện vaccine sử dụng rộng rãi ở thời điểm giữa năm tới và những đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều mở cửa trở lại. Ngoài ra, ở kịch bản xấu nhất, thế giới vẫn chưa có vaccine và ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 mới thì kim ngạch xuất khẩu có thể giảm trong năm nay và chỉ tăng nhẹ trong năm tới dù dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát.
Báo cáo của Goldman Sachs còn chỉ ra, dịch Covid-19 mang đến cho Việt Nam cả cơ hội và thách thức. Việt Nam có 1.044 ca nhiễm Covid-19 trên tổng số 96,5 triệu người tính đến 1/9. Như vậy tỷ lệ nhiễm Covid-19 của Việt Nam là 11 người trên 1 triệu dân, thấp hơn rất nhiều so với con số 3.500 người của thế giới. Chính phủ Việt Nam đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, sau đó, duy trì việc nới lỏng giãn cách đến tháng 7.
Việc thực hiện giãn cách đã tiêu tốn những khoản chi phí lớn đối với nền kinh tế và số lượng người lao động mất việc lớn. Ví dụ, doanh số bán lẻ giảm 31% vào tháng 4 và số người mất việc làm là 2,4 triệu vào quý II, lần đầu tiên thị trường lao động ghi nhận số lượng thất nghiệp lớn nhất, kể từ thời điểm giữa năm 2012. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên con số 4,5% vào quý II, mức cao nhất trong 1 thập kỷ và tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ. Đồng thời, tăng trưởng GDP quý I giảm mạnh, chỉ đạt 3,8%, sau đó giảm xuống còn 0,4% vào quý II, mức tăng trưởng thấp kỷ lục từ khi thực hiện thống kê.
Vũ Trọng