Khảo sát thị trường heo hơi cho thấy, mức giá hiện dao động trong khoảng 47.000 – 51.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, việc giá heo hơi giảm sâu đã “ăn hết” lợi nhuận của người chăn nuôi nông hộ.
Giá heo giảm sâu, người chăn nuôi lỗ nặng
Theo ông Trọng, chăn nuôi nông hộ có giá thành dao động từ 54.000 – 60.000 đồng/kg, như vậy người chăn nuôi đang cầm chắc lỗ.
Chăn nuôi heo theo mô hình tuần hoàn là giải pháp giúp người chăn nuôi có thu nhập ổn định trong bối cảnh giá giảm sâu. |
“Rõ ràng trong bối cảnh này, nếu không muốn thua lỗ thêm, chăn nuôi nông hộ cần chuyên nghiệp hơn, cần hướng tới chăn nuôi tuần hoàn, xử lý chất thải theo chuỗi”, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi đặt vấn đề. Hiện nay, chất thải trong chăn nuôi mỗi năm có khoảng 60 triệu tấn phân, 55 triệu tấn nước tiểu, 300 triệu tấn nước thải; nhưng mới xử lý được khoảng 48% - “mỏ vàng” còn lãng phí.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, giá heo xuất chuồng đang rất thấp, có nơi đã về 45.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lên tới 54.000 - 55.000 đồng/kg. Mỗi con heo xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng.
Tại Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”, ông Công đề cập đến việc các doanh nghiệp đang hướng đến chăn nuôi bền vững, chăn nuôi tuần hoàn. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này, ông đề xuất tháo gỡ về rào cản chính sách, sự chưa đồng bộ giữa các Luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, đặc biệt Luật Bảo vệ Môi trường có các điều khoản coi đó là rác thải.
“Điểm nghẽn hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác nhưng vướng các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường”, ông Công nhấn mạnh.
Chăn nuôi tuần hoàn cho tỷ suất lợi nhuận đến 60%
Khái quát một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi từ các chương trình dự án đã triển khai tại Việt Nam, TS. Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã chỉ ra những kết quả ban đầu rất khả quan. Đơn cử, đầu tư máy tách phân ở các trang trại chăn nuôi trên 2.000 con heo, đầu tư máy phát điện khí sinh học ở những trang trại có nhu cầu sử dụng điện trên 30 triệu đồng tháng và đầu tư hệ thống tưới bằng nước thải sau biogas ở những trang trại có diện tích trồng trọt lớn đều cho tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn từ 5 – 6 năm. Tỷ suất lợi nhuận sẽ cao hơn và thời gian hoàn vốn sẽ ngắn hơn ở những trang trại có quy mô chăn nuôi lớn hơn.
“Một số trang trại heo trên 5.000 con cho tỷ suất lợi nhuận lên đến trên 60% và thời gian hoàn vốn rút xuống còn 2 - 3 năm. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của các mô hình phụ thuộc nhiều vào giá bán phân ép đầu ra tại từng địa bàn”, ông Hinh cho biết.
Mặc dù tỷ suất lợi nhuận của các công nghệ xử lý môi trường do dự án giới thiệu là khá cao nhưng TS. Nguyễn Thế Hinh chỉ rõ vẫn còn một số khó khăn vướng mắc về chính sách cần tháo gỡ để các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi nói trên có thể được nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho người chăn nuôi và cộng đồng.
Là người gắn bó với nông nghiệp tuần hoàn với khoảng thời gian gần 40 năm, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, khẳng định hiệu quả của các mô hình này là thấy rõ nhưng cần xây dựng lòng tin từ việc ổn định chính sách, tới lòng tin của cả người tiêu dùng và người sản xuất.
“Nếu chúng ta không làm được điều này thì sẽ mãi luẩn quẩn ở câu chuyện con heo, hạt lúa phải lên “bờ bờ, xuống ruộng”, người nông dân phải lo âu khi rơi vào tình cảnh nay giá này, mai giá khác, thị trường trồi sụt. Đồng thời, ngành nông nghiệp đang bỏ phí đi hàng triệu tấn phụ phẩm. Muốn làm nông nghiệp giàu có thì phải tận dụng lợi thế, tận dụng phụ phẩm”, ông Lam nói.
Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm kêu gọi tất cả người làm nông nghiệp "chịu khó, chịu khổ, thậm chí phải chịu nhục. Muốn đi xa phải đi nhiều người, mọi người làm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ phải đi cùng nhau".
Với số lượng đàn heo lên tới 2,6 triệu con, tỉnh Đồng Nai được mệnh danh là “thủ phủ heo” của cả nước. Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang có những chuyển biến tích cực, phù hợp xu hướng chuyển đổi, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Đồng Nai đang áp dụng các mô hình tuần hoàn nông nghiệp như mô hình nuôi ruồi cánh đen, sử dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất giúp các phụ phẩm được gần như triệt để.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Đồng Nai bước đầu sử dụng các chất thải làm phân bón, song về việc áp dụng biogas đang còn nhiều hạn chế và thực hiện trên quy mô nhỏ, diện tích sử dụng đệm lót sinh học của chăn nuôi chỉ đạt trên 330.000 m2.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đánh giá khó khăn, thách thức trong nông nghiệp tuần hoàn là khá lớn, trong đó có các vấn đề liên quan đến nhận thức, hành lang pháp lý, phát triển mô hình khai thác, tài chính khó khăn, công nghệ tái chế, quản lý môi trường và nguồn nhân lực, tốc độ thương mại hóa trên thế giới.
Về phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao năng lực đầu tư, nghiên cứu, tận dụng công nghệ, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp tuần hoàn thông qua hỗ trợ vốn, chính sách ưu tiên, liên kết các thành phần kinh tế theo chuỗi giá trị,...
Lê Thúy