Như VnBusiness đã thông tin, tại buổi họp báo mới diễn ra về tác động của đại dịch COVID-19, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, đã có 18% đơn hàng của doanh nghiệp châu Âu chuyển sang nước khác, 16% đang được cân nhắc, nhưng đây chỉ là quyết định tạm thời, chưa doanh nghiệp châu Âu nào muốn rời Việt Nam.
Xóa khoảng cách từ chính sách tới thực tiễn
Tuy vậy, Chủ tịch EuroCham bày tỏ kỳ vọng vào hành động của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là cấp bộ, ngành địa phương.
Nhanh chóng gỡ vướng để doanh nghiệp FDI vững tin vào môi trường kinh doanh Việt Nam. |
Ông Alain Cany đánh giá, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp châu Âu cũng đã được giải quyết tại Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa được ban hành. Tuy nhiên, "Chính phủ cần làm thế nào để đưa được giải pháp hỗ trợ trên vào thực tế, điều quan trọng là xoá bỏ khoảng cách giữa việc triển khai chính sách từ Chính phủ tới các cấp chính quyền địa phương".
Chủ tịch EuroCham mong muốn, Chính phủ Việt Nam cần phải hành động nhanh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, bởi những khó khăn trên không phải chỉ doanh nghiệp châu Âu gặp phải mà còn xảy ra với nhiều doanh nghiệp FDI khác.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, phản ánh công ty đang gặp phải rất nhiều khó khăn về quy định di chuyển của người lao động, cũng như quy định về hàng hóa thiết yếu. "Hy vọng chính sách của Chính phủ sẽ được thống nhất chi tiết rõ ràng hơn giữa các địa phương", ông nói.
Mặt khác, các quy định sản xuất theo yêu cầu "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 địa điểm" cũng đang là thách thức rất lớn khi công nhân Việt Nam có đặc thù là làm việc ở tỉnh này nhưng lại lưu trú ở tỉnh khác. Do vậy, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam cho rằng, giải pháp quan trọng nhất lúc này là làm sao đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin cho người lao động Việt Nam, để họ sớm quay trở lại sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Ông Erwin Debaere, Giám đốc Tài chính Công ty Perfetti Van Melle Việt Nam phản ánh những khó khăn về chính sách nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài khi đến Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh. Theo đó, nhiều chuyên gia nước ngoài muốn đến khảo sát đầu tư tại Việt Nam, song họ vướng ở khâu nhập cảnh, thời gian cách ly quá dài.
"Họ đến kiểm tra tình hình, triển vọng kinh doanh ở Việt Nam, trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Tất nhiên, họ cũng đi kiểm tra ở các bên, các quốc gia khác nhau. Do vậy, Việt Nam cần phải nắm bắt cơ hội này, thay vì siết chặt hoạt động nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ 2 liều vắc xin", ông Erwin Debaere khuyến nghị.
Chuyên gia khó đến Việt Nam
Cũng liên quan tới bất cập trên, các doanh nghiệp châu Âu phản ánh, hiện giấy phép lao động của chuyên gia nước ngoài theo Nghị định 152 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài tại Việt Nam đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, người nước ngoài, chuyên gia đã sống, làm việc tại Việt Nam, quay trở lại quốc gia họ sau 1 - 2 tháng trở lại Việt Nam thì phải đáp ứng quy định như mới đến Việt Nam lần đầu.
Để tháo gỡ khó khăn trên, tại Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH trong tháng 9 chỉ đạo các địa phương nới lỏng một số quy định, điều kiện về cấp, gia hạn và xác nhận giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới, trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19. Những điều chỉnh này sẽ giúp giải quyết vướng mắc hiện nay về giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Ở góc nhìn chuyên gia, ví von các nhà quản lý FDI tại các địa phương cũng sẽ như các "chiến sỹ áo trắng" trên mặt trận kinh tế, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nhìn nhận, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI trong giai đoạn khó khăn bởi dịch COVID-19 hiện nay sẽ thực sự là hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, là phương pháp, "liều thuốc" hiệu quả nhất trong công tác xúc tiến đầu tư.
Theo đó, ông Thắng cho rằng, cơ quan quản lý về FDI tại các địa phương cần đánh giá ngay tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người lao động tại các doanh nghiệp FDI. Chủ động phân loại các loại doanh nghiệp thiết yếu trong giai đoạn hiện nay (về quy mô sản xuất, về tác động của doanh nghiệp đến kinh tế ngành, đến kinh tế – xã hội tại địa phương), không dàn đều sự hỗ trợ còn hạn chế hiện nay cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn, để các doanh nghiệp đầu đàn này vượt qua khó khăn, giữ được mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến khi dịch được khống chế, các doanh nghiệp này sẽ có tác động tích cực vực dậy nền kinh tế và các doanh nghiệp khác.
Theo ông Thắng, cần vận dụng một cách sáng tạo, sát thực tiễn trong từng điều kiện cụ thể của từng địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp FDI.
Tại cuộc họp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Thủ tướng khẳng định thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, và mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây chỉ là những khó khăn nhất thời, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng an toàn với dịch bệnh cả trước mắt và lâu dài.
Nhật Linh