Tại hội nghị bàn tròn giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp.HCM (JCCH) và UBND Tp.HCM vào ngày 9/12, một trong những vấn đề chính được phía JCCH nêu rõ là tình trạng mất nhiều thời gian chờ đợi vô ích khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Chậm chạp thủ tục xuất nhập cảnh
Như phản ánh của JCCH, sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy sự quá tải khi các quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh luôn xếp hàng rồng rắn. So với cảng hàng không quốc tế của một số quốc gia trong khu vực (Campuchia, Singapore, Malaysia, Indonesia...) thì thời gian chờ đợi của du khách ở sân bay Tân Sơn Nhất dài hơn rất nhiều.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cần cải thiện nhanh cách thức vận hành để tạo ấn tượng tốt hơn cho giới đầu tư nước ngoài. |
Không những vậy, như lưu ý từ phía doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Tp.HCM, vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến dịch vụ gọi xe và taxi ở sân bay này. Các DN thành viên của JCCH cũng than phiền một số khó khăn cá nhân tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Chẳng hạn như việc mặc dù đã có thẻ cư trú, nhưng có nhiều trường hợp khi nhập cảnh bị xử lý như khách du lịch và bị ghi nhầm ngày trên visa. Khi bị ghi nhầm, việc sửa chữa tại chỗ rất khó khăn và hành khách thường bị chuyển từ quầy này sang quầy khác.
Hoặc khi sử dụng thẻ APEC để xếp hàng tại làn ưu tiên, một số người đã bị coi là nhập cảnh vì mục đích thương mại. Hay trường hợp mặc dù đã đăng ký, nhưng do lỗi hệ thống, hành khách không thể qua cổng tự động.
Thật ra, đây không phải là lần đầu các nhà đầu tư của Nhật Bản ở Tp.HCM than phiền về vấn đề mất nhiều thời gian ở sân bay Tân Sơn Nhất. Như tại hội nghị bàn tròn hồi năm 2023 JCCH cũng đã đưa ra một số kiến nghị để cải thiện dịch vụ của Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Và không riêng gì DN Nhật Bản, bản thân du khách và các nhà đầu tư nước ngoài khác cũng còn những lo ngại nhất định về tình trạng chậm chạp trong khâu làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Như mới đây, ông Matthew Klint (được nhắc đến trên nhiều phương tiện truyền thông lớn toàn cầu với kinh nghiệm làm việc trong ngành hàng không và tư vấn du lịch) đã chia sẻ trên trang blog “Live and Let’s Fly” về khoảng thời gian kéo dài khi xếp hàng để nhập cảnh Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Matthew Klint, mặc dù không có sự lộn xộn tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở TPHCM - hàng chờ được xếp gọn gàng và có tổ chức, nhưng di chuyển rất chậm, thể hiện sự thiếu hiệu quả rõ ràng: Tình trạng mất cân đối cung - cầu còn tệ hơn cả ở thủ đô Jakarta của Indonesia.
“Chúng tôi xếp hàng lúc 4 giờ 30 phút chiều và mãi đến 6 giờ 20 chiều mới lên được taxi về khách sạn, chúng tôi không phải xếp hàng để xin visa hay làm thủ tục phức tạp nào cả…Chỉ đơn giản là chờ đóng dấu nhập cảnh lên hộ chiếu”, ông Matthew Klint bức xúc trên trang blog.
Hay như hồi tháng 9/2024, tại chương trình đối thoại chính sách năm 2024 giữa Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với UBND Tp.HCM, luật sư Trần Anh Đức, đồng trưởng nhóm Đầu tư và Thương mại của VBF, cho biết ngay khi nhà đầu tư nước ngoài bước chân vào Việt Nam, đã chứng kiến cảnh tượng xếp hàng rất dài, mất 30-45 phút, thậm chí 1 giờ tiếng hồ mới có thể qua cửa an ninh ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Chờ đẩy mạnh hệ thống Autogate
Theo luật sư Trần Anh Đức, nếu xếp hàng thông thường, mất từ 30-45 phút thậm chí cả tiếng đồng hồ, khi vào cũng như khi ra khỏi Việt Nam. Như vậy tạo nên ấn tượng đầu tiên không tốt, đây là vấn đề chúng ta cân nhắc cần giải quyết.
Vị luật sư này cho rằng việc tắc nghẽn tại cửa khẩu hàng không quốc tế ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của các nhà đầu tư và DN nước ngoài khi đến Việt Nam.
Đứng ở góc độ quản lý, tại buổi đối thoại với các DN Nhật Bản ở Tp.HCM, đại diện của Cục Quản lý xuất nhập cảnh lý giải việc khách phải chờ đợi có nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể như lượng hành khách qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vượt xa so với thiết kế ban đầu: Số lượng hành khách năm 2023 là 40.738.295 lượt khách, trong khi thiết kế phục vụ sản lượng 28 triệu khách/năm. Số lượng hành khách xuất nhập cảnh qua nhà ga quốc tế tại sân bay này ngày càng tăng.
Hơn nữa, theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, diện tích sàn phục vụ cho việc làm thủ tục xuất nhập cảnh nhỏ, lại bị thu hẹp bởi một số dịch vụ phi hàng không. Mặt khác, tại một số khung giờ cao điểm, tần suất chuyến bay cất hạ cánh cao (khu vực xuất cảnh vào buổi sáng từ 07h00-10h00 và khu vực nhập cảnh vào buổi chiều từ 13h00 - 16h00 có khoảng 60 chuyến bay cất hạ cánh/giờ).
Không những thế, tại sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống máy tính phục vụ công tác kiểm soát cũ, thiếu đồng bộ. Rồi hệ thống Autogate (hệ thống cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động tại sân bay mà không cần sự can thiệp của nhân viên an ninh) đang trong giai đoạn thử nghiệm, thường xuyên gặp sự cố, đối tượng được đăng ký và sử dụng còn hạn chế. Ngoài ra, chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị trong việc bố trí thời gian khai thác, điều hành bay, cất hạ cánh (vẫn tập trung vào các “khung giờ vàng”).
Và trước sự chậm trễ trong khâu làm thủ tục ở “cửa ngõ” quốc tế Tân Sơn Nhất, phía JCCH đề xuất cần đẩy mạnh lắp đặt thêm nhiều hệ thống Autogate, mở rộng đối tượng được sử dụng (bao gồm cả người nước ngoài), tuyên truyền, phổ biến để người dân ưu tiên sử dụng Autogate.
Bên cạnh đó, vấn đề cũng được đặt ra rằng một bộ phận người dân Việt Nam không muốn sử dụng Autogate vì lý do không được đóng dấu xuất nhập cảnh. Theo JCCH, tại Nhật Bản, người dân về nguyên tắc phải dùng cổng Autogate, tuy nhiên song song đó, cơ quan chức năng vẫn bố trí một quầy nhỏ chuyên phục vụ đóng dấu xuất nhập cảnh cho những ai có nhu cầu.
“Như vậy, chúng ta có thể vừa giảm được nhân sự cho đội ngũ cán bộ xuất nhập cảnh mà vẫn đáp ứng được nhu cầu đóng dấu xuất nhập cảnh của người dân. Rất hy vọng cơ quan chức năng có thể cân nhắc cách vận hành này để đưa vào thực tiễn tại sân bay Tân Sơn Nhất”, phía JCCH bày tỏ.
Trước góp ý này, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã ghi nhận ý kiến về cách vận hành Autogate của phía Nhật Bản và cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo cấp trên để cải tiến quy trình nhằm góp phần giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh nhanh chóng, thuận lợi. Còn trước mắt, cơ quan này sẽ cải thiện cách vận hành và tiếp tục tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân, hành khách đủ điều kiện ưu tiên sử dụng Autogate.
Thế Vinh