Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến cuối tháng 5/2015, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục là 822 triệu USD với 213 dự án. Đặc biệt, ngày càng có nhiều tập đoàn trường học ở các nước có nền giáo dục phát triển đến đầu tư tại Việt Nam.
Nhiều dự án FDI "khủng"
Đồng thời, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, các cơ sở đào tạo có vốn FDI phát triển nhanh cả số lượng và chất lượng. Nếu trước năm 2007, tổng nguồn vốn bình quân của mỗi dự án chỉ đạt khoảng 450-600 ngàn USD thì hiện nay, những dự án trị giá 40 – 50 triệu USD trở lên khá phổ biến.
Dự án khởi công gần đây nhất là ngày 25/5/2015, trường đại học quốc tế British University Vietnam (BUV) chính thức khởi công xây dựng cơ sở mới tại khu đô thị Ecopark (Hưng Yên). Với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 6,5 ha, dự án BUV Hưng Yên được xem là một trong những dự án FDI lớn nhất vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam hiện nay. Dự án này hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu học tập cho hơn 7.000 sinh viên Việt Nam.
Các chuyên gia đánh giá, dự án này là một dấu ấn nổi bật trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục của tỉnh Hưng Yên nói riêng cũng như Việt Nam nói chung.
Ông Jesse David Boone, Tổng giám đốc BUV, cho biết: "Việc xây dựng cơ sở mới tại Ecopark sẽ là bước đi đầu tiên đặt nền móng vững chắc cho BUV tại Việt Nam bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư lâu dài và đầu tư cho tương lai".
Trước đó năm 2014, Tập đoàn Giáo dục KinderWorld cũng đã chính thức khởi công xây dựng giai đoạn 1 của trường học đầu tiên trong khuôn viên đất rộng 1,7 hecta tọa lạc tại Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, Tp.Nha Trang.
Tính riêng Tập đoàn KinderWorld (Singapore), đến thời điểm đầu tháng 6/2015, tập đoàn này đã đầu tư vận hành 15 trường học tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Trong đó, có thể kể đến hệ thống Trường Quốc tế Singapore, Trường Mẫu giáo quốc tế KinderWorld, Trường Quốc tế Việt Nam Singapore… được đầu tư tại các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Dương… KinderWorld cũng đang lên kế hoạch đầu tư thêm các trường học tại hai tỉnh Nam Trung bộ là Khánh Hòa và Bình Định.
![]() |
Theo kế hoạch đầu tư của KinderWorld, hai cơ sở trường học đã hoàn thành sẽ bắt đầu chiêu sinh ngay trong năm 2015. Trong đó, Trường Cao đẳng quốc tế Pegasus sẽ tập trung đào tạo các ngành: quản trị khách sạn, du lịch, ẩm thực, quản trị kinh doanh và trở thành trường cao đẳng quốc tế đầu tiên tại Đà Nẵng phát triển các chương trình đào tạo dài hạn mang tiêu chuẩn chất lượng giáo dục hiện đại nhất tại khu vực ASEAN. Cùng với các dự án khủng của BUV hay KinderWorld, không thể không nhắc đến Tập đoàn RMIT (Australia) cũng đã đầu tư khoảng 41,1 triệu USD vào dự án các trường đại học RMIT tại Việt Nam, dự kiến sẽ mở rộng cơ sở ra các thành phố khác ngoài Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, thu hút tương đối lượng học viên Việt Nam vào đây.
Bên cạnh đó, còn có các dự án khác như Trường Đại học Mỹ – Thái Bình Dương tại Đà Nẵng của nhà đầu tư Mỹ – American Pacific University, LLC, vốn đầu tư 150 triệu USD; Dự án Trung tâm Nagai Việt Nam của Nhật Bản, vốn đăng ký 68,9 triệu USD hay Dự án của Oasis Development Management Ltd. (British Virgin Islands), vốn đầu tư 68 triệu USD đều tại Hà Nội… Ước tính có 24 khoảng quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Các chuyên gia cũng cho rằng dù tốc độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào giáo dục là nhanh và đầy tiềm năng nhưng Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhận định hiện các dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục mới chỉ tập trung ở 3 thành phố lớn là Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, số lượng cũng chưa được nhiều, quy mô các dự án chưa lớn. Hơn nữa, việc xúc tiến đầu tư FDI vào lĩnh vực giáo dục chưa thực sự mạnh. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư vào giáo dục và đào tạo cũng đồng nghĩa với việc phải đầu tư một lượng vốn lớn trong một thời gian tương đối dài. Vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc xúc tiến đầu tư FDI để phát triển ngành giáo dục – đào tạo Việt Nam.
Cạnh tranh học viên gay gắt
Bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn thừa nhận một thực tế là việc đầu tư của các tập đoàn lớn vào giáo dục Việt Nam sẽ tạo ra cạnh tranh không hề nhỏ trong việc chọn lựa môi trường học tập ở Việt Nam vì độ chênh lệch về học phí cũng như chi phí học tập được thu hẹp.
Trong khi, nhằm tái cấu trúc ngành giáo dục, đầu năm 2015 vừa qua Chính phủ đã ban hành chính sách khuyến khích các trường đại học dân lập chuyển sang mô hình tư thục đồng thời thí điểm thực hiện chương trình đại học công lập tự chủ về tài chính ở 6 trường đại học lớn.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động ở các trường công lập, dân lập đang gặp phải những trở ngại liên quan đến định giá tài sản và những bất cập trong quy định hạn chế doanh thu từ hoạt động mở rộng đào tạo.
Ngược lại, ở các trường quốc tế với tất cả các cấp học từ mẫu giáo đến đại học được người dân các thành phố lớn chọn lựa cho con em theo học ngày một nhiều. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh lớn trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Theo PGs.Ts. Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng Thành viên BK-Holdings, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và dạy nghề ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của Việt Nam hiện nay là thiếu nhất quán trong việc triển khai chiến lược đổi mới giáo dục của quốc gia. Số lượng các trường đại học được thành lập mới tăng quá nhanh.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), cũng cho rằng để tiếp tục thực hiện tốt hơn các chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu của Quốc hội đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp, trong đó việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đặc biệt là giao quyền tự chủ tài chính đầy đủ cho các trường đại học công lập giữ vai trò then chốt.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn còn loay hoay với những vấn đề này. Điển hình rõ nét nhất là với mô hình đại học trọng điểm, dù được triển khai từ năm 2001 đến nay, song mô hình này vẫn là "sân chơi" độc quyền của các trường đại học công lập với nhiều chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Trong khi đó, không ít trường đại học tư muốn đi theo mô hình trọng điểm vẫn loay hoay chưa biết làm sao. Các trường chỉ mới tiếp cận mô hình tiên tiến này ở góc độ ưu tiên từ ngân sách Nhà nước và những cơ chế tự chủ để phấn đấu đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho các tập đoàn giáo dục đa quốc gia tiếp tục mở rộng đầu tư vào trường học tại Việt Nam khi các dự án ban đầu đã bắt đầu gặt hái được nhiều lợi nhuận.
Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Lê Thúy