Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ 9 chỗ ngồi trở xuống, dung tích xilanh từ 1.500 cm3_(1.5) trở xuống sẽ giảm từ mức 45% hiện hành xuống 40% từ 1/7/2016, và giảm xuống còn 35% từ 1/1/2018; dòng xe dung tích xilanh trên 1,5 – 2,0 giảm còn 40% từ 1/1/2018; dòng xe dung tích xilanh trên 2,0 – 2,5 giữ nguyên mức 50%.
“Cửa nào” cho xe “nội”?
Đáng nói, hiện nay, người tiêu dùng trong nước đang chuộng dòng ô tô nhập khẩu, đặc biệt, khi kinh tế phục hồi, thu nhập một số bộ phận dân cư cải thiện, nhu cầu mua sắm tăng cao thì phân khúc xe ô tô dung tích nhỏ sẽ là lựa chọn hàng đầu. Trong khi đó, ngành sản xuất ô tô trong nước chưa thể cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Nhiều ý kiến lo ngại nếu giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô dưới “hai chấm” thì cán cân thương mại ngày càng thâm hụt do lượng xe nhập khẩu gia tăng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhiều khả năng sẽ phá sản.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hiện cả nước có hơn 20 DN sản xuất, lắp ráp ô tô, nhưng thực tế số DN đầu tư bài bản và đang có những sản phẩm bán tốt trên thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khả năng cạnh tranh yếu kém cùng với tình hình kinh tế khó khăn đã đẩy ngành sản xuất ô tô trong nước vào tình trạng khó khăn: Sản lượng bán xe giảm, thua lỗ, thậm chí rút lui khỏi thị trường. Để cầm cự được trên thị trường, hầu hết các doanh nghiệp phải song hành “đứng trên hai chân”, tức là vừa nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường và vừa sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại áp lực về cạnh tranh với ô tô nhập khẩu sẽ khiến DN trong nước chuyển sang phân phối hoàn toàn. Và đằng sau vấn đề này là câu chuyện dài về việc lợi ích của DN luôn đặt lên trên lợi ích ngành, quốc gia.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: “DN sẽ luôn đặt lợi ích của họ lên trước. Bởi vậy, họ sẽ lấy lý do áp lực thuế nhập khẩu, DN phụ trợ yếu kém không đủ cung cấp linh phụ kiện khiến họ phải chuyển sang phân phối hoàn toàn”.
Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe nhập khẩu dung tích nhỏ sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước phải bước lên một vũ đài mới và ngày càng không cân sức vì còn non trẻ, vốn liếng ít, công nghệ còn lạc hậu hơn so với thế giới, kinh nghiệm chưa nhiều…
Đại diện công ty Ô tô Trường Hải chia sẻ: “Thực hiện cam kết quốc tế, năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô giảm mạnh, nhập khẩu từ ASEAN về mức 0%, nếu giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt, công ty Ô tô Trường Hải đứng bên bờ vực phá sản. Khi đó 10.000 người lao động sẽ thất nghiệp”.
![]() |
Thuế ôtô nhập khẩu dung tích nhỏ sẽ giảm xuống 40% từ 1/7/2016
Sản xuất hay đi buôn?
Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được Thủ tướng ký phê duyệt tháng 7/2014, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sản xuất 466.400 xe trong nước, gấp hơn 3,5 lần năng suất đạt được năm 2014 và sẽ đạt ngưỡng 1,5 triệu chiếc sau 20 năm tới.
Kế hoạch này đang gặp thách thức lớn khi các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho phép xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực được hưởng thuế 0% vào năm 2018.
Sau 20 năm được bảo hộ, ngành ôtô_vẫn đang đứng ở vạch xuất phát. Những khó khăn của ngành ô tô trong nước đang khiến doanh nghiệp do dự giữa việc chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn hay lắp ráp.
Ông Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – nhận định: Nếu các nhà sản xuất chuyển sang nhập khẩu xe về bán ở thị trường trong nước thì đây sẽ là “nốt giáng” của chiến lược phát triển ôtô Việt Nam.
“Đã có chiến lược từ năm 1991 và điều chỉnh nhiều lần, mỗi lần đưa ra không biết bao nhiêu chính sách mới nhưng bây giờ khi thuế bằng 0% thì không dại gì người ta nhập khẩu linh kiện để lắp ráp ôtô tại Việt Nam. Chiến lược phát triển của ngành đã không lường được các diễn biến khi hội nhập”, ông Mại chia sẻ.
Trong bối cảnh ngành ôtô cạnh tranh khốc liệt và các đơn vị liên doanh còn ngập ngừng, sản xuất trong nước càng gặp khó khăn hơn khi thuế nhập khẩu đang giảm dần theo cam kết các Hiệp định Thương mại.
Nếu không muốn để mất thị trường phát triển ô tô trong nước vào “tay” các doanh nghiệp ngoại thì bài toán quan tâm nhất lúc này là điều kiện cần thiết để chi phí ôtô trong nước hấp dẫn hơn là công nghiệp phụ trợ phải được phát triển để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Khi đó, các hãng xe trong nước hoàn toàn có thể ung dung lắp ráp các thương hiệu xe lớn với chi phí thấp hơn và cạnh tranh với các dòng xe ngoại nhập.
“Nên có thêm nhiều chính sách hỗ trợ đối với ngành công nghiệp phụ trợ. Chính phủ đã trình danh mục_những ngành công nghiệp phụ trợ được hưởng thuế suất ưu đãi, công nghệ càng tiên tiến_thì càng được nhiều ưu đãi. Nếu danh mục được chấp thuận thì rất nhiều linh kiện, thiết bị sẽ được hưởng ưu đãi lớn”,_ông Đinh Trịnh Hải – Phó chủ tịch Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho hay.
Huyền Anh