Hôm qua (21/5), Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội giải trình cặn kẽ về quyết định tăng giá điện, thời điểm tăng cũng như kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương về tăng giá.
Theo báo cáo, mức điều chỉnh thêm 8,36%, lên 1.864,44 đồng/kWh, được đưa ra dựa trên tổng chi phí mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.000 tỷ đồng cùng các yếu tố đầu vào như than bán cho điện, tỷ giá, giá khí trong và ngoài bao tiêu, giá dầu thế giới... Song, mức giá này chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua điện năm 2018, trên 3.260 tỷ đồng. Nếu bổ sung chi phí này, giá bán lẻ điện bình quân khoảng 1.879,9 đồng/kWh, tương đương tăng 9,26%.
"Để tránh tác động lớn tới chỉ số CPI và ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã chọn phương án tăng giá điện 8,36%", báo cáo Chính phủ nêu.
Tuy nhiên, giải trình của Chính phủ về giá điện tiếp tục làm nóng phiên thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội của Quốc hội sáng 22/5.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, người dân thường không quá quan tâm GDP tăng trưởng bao nhiêu phần trăm mà là tới giá điện, giá sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống. Thời gian qua, Chính phủ đã có tổ chức xem xét, nghiên cứu trước khi quyết định điều chỉnh với các mặt hàng điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục.
Đại biểu cho biết, trong quá trình tiếp xúc, cử tri đều chia sẻ khó khăn của ngành điện nhưng cũng nêu việc cần điều chỉnh bậc thang tính giá điện.
"Ví dụ, bậc 1 chỉ từ 0 - 50 kWh mà tính giá 1.678 đồng, từ 51 kWh lại tính giá cao hơn. Với điều kiện sinh sống người dân hiện nay, thu nhập bình quân đầu người 2.590 USD, theo tôi nên thay đổi cách tính bậc thang giá điện, chỉ nên để 4 bậc. Ở nước ngoài, hiện Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ có 3 bậc, Indonesia và Malaysia 5 bậc... Nên gộp bậc 1 và 2 thành 1 bậc và áp dụng giá điện của bậc 1. Như thế người dân không bị thiệt hại gì. Đó là mức có thể chia sẻ", ông Ngân đề xuất.
Theo ông Ngân, việc điều chỉnh rơi vào thời điểm khí hậu nóng, thế nên người dân chịu nhiều áp lực: một là giá điện tăng 8,36%, hai là điện sử dụng nhiều hơn, ba là bậc thang tính giá điện sinh hoạt, dùng càng nhiều giá điện càng cao. Đó là những điều gây nên những cú sốc trong hóa đơn tiền điện thời gian qua.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) lại cho rằng trên thực tế, giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố.
Đại biểu Hà phân tích, người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 kwh trở lên) phải chi trả đến 2.927 đồng/kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng) và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá. Như vậy không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.
Đối với bậc 3 (101-200 kWh) theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới là 2.014 đồng sẽ có sự gia tăng hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng, khác với 8,4% mà EVN thông báo.
Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201- 300 kwh) là 12,7% và ở bậc 5 (301-400kWh) là 14,2%. Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%, 15%, khác với 8,33 – 8,40% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt.
Bà Hà đề nghị: "Cách giải trình của EVN ẩn đi một lần tăng giá, làm cho phần trăm tăng giá thấp hơn. Do đó, cần minh bạch giá đúng của 1kWh điện. Đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới”, bà Hà đề nghị.
Thanh Hoa