Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 10 ước tính đạt 37 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm nay, vốn đầu tư công đạt 260,4 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2% kế hoạch năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 70,3% và tăng 12,1%).
Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 36,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61,3% kế hoạch năm và giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt 9.739 tỷ đồng, bằng 55,1% và giảm 31,9%; Bộ Y tế 2.976 tỷ đồng, bằng 56,3% và tăng 40,2%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2.229 tỷ đồng, bằng 65,6% và giảm 56,0%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 743 tỷ đồng, bằng 56,6% và giảm 22,8%; Bộ Công Thương 173 tỷ đồng, bằng 70,9% và tăng 3,6%...
Vốn địa phương quản lý đạt 223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 70,6% kế hoạch năm và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn thực hiện từ nguồn NSNN 10 tháng năm 2019 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 34,8 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3% kế hoạch năm và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước; Thành phố Hồ Chí Minh 16,7 nghìn tỷ đồng, bằng 45,4% và giảm 11,2%; Quảng Ninh 8.377 tỷ đồng, bằng 72,5% và tăng 8,9%...
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ giải ngân này vẫn đạt mức thấp do tốc tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 10 tháng năm 2019 tăng 5,3% nhưng cùng kỳ các năm trước có tốc độ tăng mạnh hơn.
Cụ thể: năm 2015 là 8,7%; năm 2016 là 14%; năm 2017 là 7,1%; năm 2018 là 12,1%. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 10 tháng 2019 so với kế hoạch năm giai đoạn 2015-2019 lần lượt là: 82,5%; 75,0%; 71,7%; 70,3%; 69,2%.
Như vậy, dù Chính phủ đã ra sức thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhưng tình hình vẫn chưa thực sự có chuyển biến rõ nét. Nguyên nhân được đưa ra là do công tác kế hoạch hóa đầu tư công còn nhiều bất cập cả ở các cơ quan tổng hợp và ở các bộ, ngành, địa phương, lập kế hoạch chưa sát với thực tế, chưa tính toán kỹ khả năng giải ngân, có tâm lý xây dựng nhu cầu vốn cao nhưng phân bổ cho các dự án chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, thậm chí còn dự kiến bố trí cho những dự án chưa đủ thủ tục nên dẫn tới không thể giao được kế hoạch theo quy định pháp luật.
Vì thế, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Trong đó, Chính phủ để ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu như: tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc; khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019; đổi mới công tác lập, theo dõi, đánh giá và thực hiện kế hoạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ...
Hoàng Hà